BVR&MT – Thực hiện chương trình tái cơ cấu, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, ngành lâm nghiệp đã không ngừng tăng cường đầu tư cho việc nâng cao hiệu quả trong quản lý, phát triển rừng, góp phần bảo đảm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên, việc sản xuất rừng cây gỗ lớn hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cần có chính sách khuyến khích phát triển theo hướng ổn định và bền vững.
Nhu cầu ngày càng cao
Với chủ trương phát triển rừng bền vững, Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương triển khai áp dụng hệ thống quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cam kết mạnh mẽ việc quản lý có trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường. Ðà tăng trưởng của ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong những năm vừa qua và những năm tới đòi hỏi nhu cầu về nguyên liệu gỗ hợp pháp là rất lớn.
Theo Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ đã chủ động được gần 80% nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản cho cả hai thị trường trong nước và xuất khẩu. Lượng gỗ phục vụ riêng chế biến gỗ xuất khẩu có từ hai nguồn: rừng trồng trong nước và nhập khẩu. Với gỗ rừng trồng trong nước chỉ có một phần sử dụng làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, bởi vì mặc dù lượng gỗ rừng trồng có tăng nhưng tỷ lệ gỗ lớn, có chất lượng và chứng chỉ chưa cao. Với gỗ nhập khẩu từ hơn 100 quốc gia, gỗ có giá cao, làm tăng giá thành và đòi hỏi việc giám sát chặt chẽ để tránh các rủi ro về nguồn gốc.
Trước cơ chế, chính sách đã có nhiều thay đổi về thuế chống bán phá giá, yêu cầu giảm rủi ro về thương mại, Hiệp định Ðối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), ngành chế biến gỗ phải đối mặt với nguồn nguyên liệu hợp pháp ngày một lớn hơn. Như vậy, thực tế đòi hỏi các địa phương phải trồng rừng gỗ lớn, hướng đến tự chủ nguồn nguyên liệu. Thời gian trồng rừng gỗ lớn từ 12 – 15 năm để chế biến làm gỗ xẻ, gỗ thanh, ván ép và tạo ra sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu thay vì chỉ trồng từ 5 – 7 năm làm nguyên liệu dăm, giấy xuất khẩu trong khu vực. Giá trị lợi nhuận một héc-ta gỗ lớn cao hơn bình quân nhiều lần so với gỗ nhỏ, do chi phí đầu tư thấp hơn, giai đoạn về sau chủ yếu là chi phí bảo vệ rừng thay vì phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc. Ngoài ra, khi nói đến chức năng phòng hộ của rừng thì rừng gỗ lớn sẽ đóng vai trò quan trọng hơn so với rừng gỗ nhỏ, bởi vì khả năng chống xói mòn, chống sạt lở và rửa trôi đất cao hơn nhiều lần.
Ðẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn
Tổ chức trồng rừng gỗ lớn và quản lý rừng bền vững không chỉ mang lại những lợi ích tích cực về mặt kinh tế, bảo đảm cung ứng nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Ðể trồng rừng gỗ lớn đáp ứng các mục tiêu cơ bản nêu trên, các tổ chức, cá nhân trồng rừng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Về giống cây trồng, loài cây cho trồng rừng gỗ lớn tại Việt Nam hiện nay được khuyến cáo tập trung chủ yếu là: keo tai tượng, keo lá tràm, keo lai và bạch đàn, nhưng hiện nay chưa đủ các mô hình giống tốt để áp dụng vào sản xuất. Mặc dù giống mới được công nhận rất nhiều, một số giống tốt phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai nhưng thiếu cây giống thương phẩm để trồng rừng; hệ thống giống còn thiếu về chủng loại và phân bổ không đồng đều ở các vùng, nhất là những loài cây trồng trên các dạng lập địa vùng cao… Do đó, các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng cần chủ động thay thế giống thoái hóa, giống có khả năng kháng bệnh kém hoặc năng suất thấp để sản xuất và trồng rừng giống mới. Tuy nhiên, hiện nay đang phải cạnh tranh với cây giống trôi nổi trên thị trường mà chưa được giám sát về chất lượng. Trồng rừng chu kỳ dài mà cây giống chất lượng không tốt sẽ mang lại hiệu quả cuối chu kỳ không cao, gây lãng phí cả thời gian và công trồng, chăm sóc.
Về tạo quỹ đất, các địa phương cần có quỹ đất tập trung, đủ lớn mới có thể tổ chức trồng rừng gỗ lớn với tỷ lệ cơ giới hóa cao và theo hướng công nghiệp hóa. Thực tế hiện nay, quỹ đất lâm nghiệp chủ yếu là ở vùng cao, điều kiện lập địa khó khăn, đất dốc, độ cao lớn, địa hình chia cắt; đất manh mún phân tán nhỏ lẻ,… cho nên công tác quản lý phức tạp, quy hoạch đất đai cũng gặp nhiều khó khăn, mức độ cơ giới hóa thấp. Ðiều này hạn chế việc phát triển lâm nghiệp quy mô lớn cũng như quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Ðồng thời, đơn vị trồng rừng đang phải trả tiền thuê đất và đóng thuế sử dụng đất hằng năm, làm tăng chi phí đầu tư trồng rừng. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp thuê đất lâu dài, khuyến khích trồng rừng miễn tiền thuê đất; đẩy mạnh tích tụ đất đai, xây dựng các mô hình hợp tác xã lâm nghiệp nhằm phát triển các vùng trồng rừng tập trung, thâm canh, phát triển lâm nghiệp bền vững. Ðồng thời, điều chỉnh Luật Ðất đai chặt chẽ hơn để tránh tình trạng các địa phương lạm dụng thu hồi đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội nhưng bản chất dự án không đem lại lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng và làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.
Về cơ chế chính sách, thực tế trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, rủi ro cao với thiên tai, sâu bệnh và biến động giá cả. Mặt khác, lao động trực tiếp trồng rừng là người dân tại các vùng sâu, vùng xa cho nên trình độ dân trí thấp, việc tuyên truyền vận động khó khăn. Và do thu nhập thấp hơn so với các ngành khác cho nên chưa tạo thu hút người lao động nghề rừng. Thực tế này dẫn đến hình thức tổ chức sản xuất trồng rừng chưa đồng bộ, thiếu có tiếng nói chung để hợp tác liên doanh, liên kết một cách chặt chẽ. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần phải nỗ lực đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất cây giống đến việc cung ứng cho công tác trồng rừng, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp lâm nghiệp với hộ gia đình, cộng đồng trên cùng địa bàn và sau chu kỳ thu mua sản phẩm của hộ dân. Các địa phương cần mở rộng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hỗ trợ người dân tham gia nghề rừng, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trồng rừng kinh doanh gỗ lớn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp tạo điều kiện cho người dân cũng như cho công tác khai thác cơ giới, giảm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu. Ðẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác theo dõi, giám sát tài nguyên rừng, quản lý nguồn gỗ hợp pháp công khai, tạo động lực tăng năng suất, chất lượng của các chủ rừng. Nghiên cứu chính sách bảo hiểm cây lâm nghiệp, chính sách về mua bán tín chỉ các-bon rừng trồng. Tạo điều kiện tăng cường hội nhập quốc tế để tiếp cận khoa học và công nghệ lâm nghiệp tiên tiến cũng như nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lâm nghiệp…
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện cả nước có 4,3 triệu ha rừng trồng, trong đó khoảng 3,53 triệu ha là rừng sản xuất. Nguồn cung cấp gỗ rừng trồng hàng năm lên tới khoảng 48 triệu m3 quy tròn, đáp ứng gần 80% nhu cầu của ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, gỗ chất lượng cao, có chứng chỉ hiện mới đáp ứng được tỷ lệ rất thấp, cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất rừng gỗ lớn trong thời gian tới… |