BVR&MT – Ngày 16/6, ông Trần Văn Thụ, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) cho biết, đơn vị vừa nhận bàn giao một cá thể Khỉ đuôi lợn (thuộc nhóm IIB – động vật nguy cấp quý, hiếm) từ người dân.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2019 đến giữa tháng 6/2022, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã nhận bàn giao 100 cá thể động vật và 22,5 kg rắn để thả về môi trường tự nhiên. Những cá thể động vật được giao nộp này, một số ít thuộc loài thông thường, đa số thuộc nhóm IB, IIB – động vật rừng nguy cấp quý, hiếm. Các cá thể động vật được giao nộp lại cho Trung tâm hầu hết là của người dân tự nguyện giao nộp và của các Hạt kiểm lâm thu giữ từ việc bắt giữ các vụ buôn bán trái phép động vật trên địa bàn. Hầu hết các cá thể được bàn giao có tình trạng sức khỏe tốt (khỉ, trăn, rùa, cầy, vọoc chà vá, cu li…), tuy nhiên, các cá thể rắn thường có sức khỏe yếu hơn.
Theo ông Thụ, tất cả các cá thể động vật được nhận bàn giao sẽ được thả về môi trường tự nhiên. Các cá thể yếu sẽ được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh giữ lại chăm sóc đến khi ổn định mới thả về môi trường tự nhiên. Hằng năm, Trung tâm Cứu hộ phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân vùng lân cận. Đồng thời, Trung tâm Cứu hộ khuyến khích, vận động bà con giao nộp các cá thể động vật rừng được trao đổi, mua bán để đơn vị tiến hành công tác cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên nhằm đảm bảo nguồn động vật tự nhiên, động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Qua các đợt tuyên truyền, nhận thức, ý thức của người dân trên địa bàn về bảo vệ động vật hoang dã được nâng lên, số lượng động vật hoang dã được người dân tự nguyện giao nộp ngày càng tăng.
Mới đây nhất, ngày 14/6, một cá thể Khỉ đuôi lợn (nhóm IIB – động vật nguy cấp quý, hiếm) được anh Đỗ Văn Tâm ở thôn 1, xã Kim Tân, huyện Ia Pa bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trong tình trạng sức khỏe ổn định. Trước đó, ngày 12/4, cá thể Khỉ đuôi lợn nói trên được gia đình anh Đỗ Văn Tâm nhận về nuôi dưỡng qua việc đổi 20 kg gạo cho một đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi được cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã, anh Tâm đã làm đơn trình báo, tự nguyện giao nộp cá thể này cho cơ quan chuyên trách.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết, năm 2021 anh đã tự nguyện giao nộp 2 cá thể rùa cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sau khi được cơ quan Kiểm lâm, Công an, chính quyền địa phương phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã. Trước đó, tháng 5/2022, phát hiện hai cá thể rùa trước nhà mình, anh Đạt đã mang về nuôi. Đến tháng 7/2022, anh tự nguyện bàn giao cho cơ quan chức năng để tiếp tục cứu hộ, nuôi dưỡng và thả rùa về môi trường tự nhiên.