BVR&MT – Với lợi thế về địa hình, số lượng sông suối nhiều, độ dốc cao… từ năm 2005 đến nay, nhiều tỉnh miền núi đã coi phát triển thủy điện nhỏ là “con gà đẻ trứng vàng.” Từ đó khởi nguồn cho phong trào phát triển ồ ạt nhằm khai thác tối đa nguồn “vàng trắng” giàu tiềm năng.
Vậy nhưng, sau gần chục năm trải thảm đỏ thu hút đầu tư, giờ đây, một số tỉnh đi đầu trong “phong trào phát triển năng lượng” ở miền Bắc như Hà Giang, Cao Bằng đã phải hứng chịu hàng loạt hệ lụy: Gây mất rừng, dự án xây dựng dở dang, sông suối cạn trơ đáy, suy giảm lượng phù sa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh lam thắng cảnh…
Và đằng sau đó là cả những câu chuyện “bi hài” đang gây nhiều tranh cãi do công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án chưa sát với thực tế, chưa khoa học dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh và loại bỏ nhiều dự án ra khỏi quy hoạch.
Trong vòng 10 năm qua, tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đã được quy hoạch trên 100 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khi quy hoạch lên đến hơn 1.000MW. Đến nay, mặc dù hai tỉnh này đã loạt bỏ 37 dự án yếu kém, nhưng trung bình mỗi dòng sông vẫn phải “cõng” từ 3-6 nhà máy thủy điện.
Thực trạng phát triển một cách ồ ạt các công trình thủy điện và thiếu kiểm soát, gây tranh chấp kéo dài trong suốt nhiều năm… đã khiến hai tỉnh có tiềm năng về phát triển năng lượng sạch ở miền Bắc phải chịu những hệ lụy khi chủ đầu tư quay lưng để lại.
Thủy điện nhỏ “mọc” tràn lan
Chỉ tính riêng tại tỉnh Cao Bằng, mặc dù, địa phương này đã loại bỏ 11 dự án khỏi quy hoạch vào năm 2011 nhưng hiện vẫn còn 40 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch với tổng công suất lắp máy hơn 350 MW. Trong đó, 24 dự án được tỉnh phê duyệt năm 2007; Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung điều chỉnh 10 dự án; và 6 dự án được tỉnh phê duyệt bổ sung.
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất lắp máy hơn 70,6 MW; thủy điện công suất lớn nhất là 30 MW, còn lại chủ yếu là thủy điện nhỏ được xây dựng trên hệ thống các con sông chính như sông Gâm, sông Bằng Giang, sông Quây Sơn…
Trong đó, riêng hệ thống sông Gâm (dài khoảng 60km, chảy qua hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc) theo quy hoạch sẽ phải “cõng” 6 dự án thủy điện. Hiện tại, thủy điện Bảo Lâm 1 với công suất 30 MW đã đi vào vận hành, thủy điện Bảo Lâm 3 và 3A đang được thi công, thủy điện Bảo Lâm 4 chuẩn bị thi công. Cả 4 thủy điện này được đầu tư bởi Công ty cổ phần xây lắp điện 1.
Còn tại tỉnh Hà Giang, từ năm 2005 đến nay, địa phương này đã được quy hoạch 72 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khi quy hoạch là 768,8MW. Trong giai đoạn đầu, từ năm 2005-2010 và xét đến năm 2015 tại Quyết định 216/QĐ-UBND ngày 19/5/2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh này được quy hoạch 26 dự án, với tổng công suất lắp máy 474,9MW.
Cũng trong giai đoạn này, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã phê duyệt một dự án thủy điện trên sông Gâm, với công suất 45MW.
Trong khi đó, tại Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 22/8/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ, thì số lượng dự án thủy điện nhỏ trong giai đoạn hai được điều chỉnh thêm… 34 dự án. Vì đây chủ yếu là thủy điện nhỏ nên tổng công suất lắp máy của 34 dự án chỉ có 80MW.
Những tưởng với hệ thống thủy điện dày đặc được quy hoạch trên hầu hết các con sông ở Hà Giang sẽ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 2 năm (từ cuối 2009-2011), Hà Giang tiếp tục quy hoạch thêm 11 thủy điện trên hệ thống sông Lô, sông Chảy, sông Gâm với tổng công suất lắp máy hơn 160MW.
Mãi đến tháng 4/2013, sau khi cùng Bộ Công Thương rà soát các dự án thủy điện, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang mới loại bỏ 27 trong tổng số 72 dự án ra khỏi quy hoạch vì năng lực yếu, không khả thi như: Thủy điện Sông Miện 2, Thanh Thủy 1A, Lũng Phìn, Cốc Rế, Sông Con 1, Ngòi Thàn, Ngòi Hít, Nậm Mu 1A, Nậm Khiêu…
Vậy nguyên nhân từ đâu mà tỉnh Hà Giang phải mạnh tay loại bỏ hàng chục dự án thủy điện đã được tỉnh đưa vào quy hoạch như vậy?
Lý giải cho thực trạng trên, ông Hoàng Văn Nhu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho rằng: Trước đây công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án thủy điện chưa sát với thực tế, thiếu sàng lọc ngay từ khi kêu gọi. Vì thế, không ít chủ đầu tư thiếu năng lực và kinh nghiệm đã nhảy vào đầu tư, dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh, loại bỏ nhiều dự án khỏi quy hoạch.
Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển thủy điện ở Hà Giang cũng xuất hiện những bất cập như chiếm dụng đất đai (đất nông nghiệp, đất rừng), đồng ruộng để làm hồ chứa. Thủy điện hình thành các bậc thang từ thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, chế độ thủy văn, ảnh hưởng môi trường sinh thái, tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa cho con người.
Cho đến nay, mặc dù đã bị loại bớt dự án (chỉ còn lại hơn 40 dự án với tổng công suất lắp máy gần 800 MW) nhưng mỗi con sông ở Hà Giang vẫn phải “cõng” từ 3 – 6 thủy điện. Đơn cử, dù chỉ là một phụ lưu của sông Lô, nhưng sông Miện hiện đang phải “cõng” 6 thủy điện là: Sông Miện 5, Sông Miện 5A, Thái An, Sông Miện (Bát Đại Sơn), Sông Miện 6, và Thuận Hòa.
Trên sông Nho Quế (dòng sông giải khát cho người dân vùng cao) chảy qua địa phận huyện Mèo Vạc, hiện cũng đã được quy hoạch ít nhất 3 nhà máy thủy điện bậc thang. Trong đó, thủy điện Nho Quế 3 đã vận hành từ năm 2012, thủy điện Nho Quế 2 đã phát điện hồi tháng 8/2016. Còn thủy điện Nho Quế 1 đang trong quá trình thi công.
Phớt lờ quy định dòng chảy tối thiểu
Hà Giang vốn được biết đến là vùng cao nguyên hùng vĩ, với những dòng sông uốn lượn chẳng khác gì những “con rồng xanh” luồn qua vực thẳm. Sông cứ thế chảy miết đến tận cùng, nhưng bây giờ nhiều con sông đã bị “thắt cổ,” và bị ngăn thành những hồ đập, nằm im lìm bất động.
Một ví dụ điển hình như tại huyện Vị Xuyên, theo quy hoạch có 17 dự án thủy điện, hiện 7 dự án đã phát điện, 3 dự án đang thi công. Trong đó, riêng dòng sông Miện có tới 6 thủy điện (4 thủy điện đã vận hành, 2 dự án đang thi công). Thực trạng này đã làm biến dạng dòng chảy, dòng sông bị ngăn thành những hồ đập khổng lồ, trong khi phía dưới lúc nào cũng ở trong tình trạng “đói” nước.
Nếu di chuyển từ thành phố Hà Giang, chúng ta sẽ đến thủy điện Sông Miện 5A đầu tiên, đây là thủy điện nhỏ với công suất lắp máy 5MW. Thủy điện này đã phát điện từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt. Ngoài ra, thủy điện này cũng chưa bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định, song vẫn không bị cơ quan chức năng xem xét xử lý.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, đập dâng của thủy điện Sông Miện 5A cách thân đập của thủy điện Sông Miện 5 (hai thủy điện cùng chủ đầu tư) chỉ một cánh đồng. Tại khu vực này, sông bị ngăn lại thành hồ đập khổng lồ, đầy ắp nước. Trong khi, phía thượng nguồn dòng sông Miện 5A cũng bị ngăn đập làm thủy điện khiến dòng sông này gần như không chảy.
Theo quy định của Nghị định 112/2008/NĐ-CP thì các công trình khai thác sử dụng nước như hồ chứa, đập dâng thủy lợi thủy điện khi tích và điều tiết nước đều phải xả trả lại sông lượng dòng chảy tối thiểu để bảo đảm nước cho hệ sinh thái, duy trì môi trường sống và bảo đảm nhu cầu nước cho sử dụng ở đoạn sông hạ lưu.
Vậy nhưng, sáng ngày 26/4/2017 có mặt tại nhà máy thủy điện Sông Miện 5A, chúng tôi phát hiện nhà máy này không xả nước duy trì dòng chảy tối thiểu. Các cửa xả của nhà máy đóng kín đã khiến hạ lưu sông Miện bị cạn trơ đáy. Nhiều người dân thấy sông cạn đã xuống mò ốc, bắt cá ngay trước cửa xả của thủy điện này.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus vào ngày 27/4/2017, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang thừa nhận, có việc một số thủy điện, như thủy điện sông Miện 5A tích nước không bảo đảm dòng chảy để tăng lợi ích khi sản xuất điện. Và, lỗi này là do phía doanh nghiệp.
“Trong việc này, địa phương quản lý quy trình vận hành của các Nhà máy cũng rất khó vì không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có thể tổ chức kiểm tra được. Mặt khác, các thủy điện thường ở các khu vực xa, hẻo lánh cũng khó cho công tác kiểm tra xử lý,” ông Sơn chia sẻ.
Cùng chung cảnh quá tải thủy điện, tại sông Gâm, tỉnh Cao Bằng theo kế hoạch cũng phải “cõng” 6 thủy điện. Hiện một số thủy điện đã đi vào vận hành như thủy điện Bảo Lâm 1 với công suất lắp máy 30MW. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, thủy điện này cũng không duy trì dòng chảy tối thiểu như quy định.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 13 giờ 30 phút trưa 23/4/2017, sông Gâm đoạn qua xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm đã bị cạn trơ đáy. Hàng trăm người dân lao xuống đánh bắt cá ngay phía dưới nhà máy, họ bắt cá giữa dòng sông Gâm mà như bắt cá trong ao nhà mình, người quăng chài, kẻ thả lưới.
Một số người dân địa phương cho biết, hàng ngày, vào khoảng 10 giờ sáng hoặc 12 giờ trưa là thủy điện tích nước cho đến khoảng 14 giờ hoặc 16 giờ chiều là thủy điện xả nước. Do đã nắm được thời gian đóng xả của thủy điện nhiều người ăn nằm luôn dưới gầm cầu Lý Bôn để đánh bắt cá.
Nghe xong câu chuyện, chúng tôi vào gần khu vực nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1, do là thời gian thủy điện tích nước nên dòng chảy phía hạ du đã bị cạn kiệt, tất cả các cửa xả của nhà máy đóng kín, một số người dân liều lĩnh vào rất gần cửa xả để bắt cá.
Ngay sau khi tiếp cận và quay phim sự việc, khoảng 14 giờ 30 ngày 23/4 chúng tôi đã liên hệ với Ban lãnh đạo thủy điện Bảo Lâm 1 qua điện thoại nhưng không ai nghe máy. Phải đến khi chúng tôi báo cáo câu chuyện với lãnh đạo Sở Công Thương thì Ban quản lý thủy điện Bảo Lâm 1 mới liên lạc lại và hẹn làm việc lúc 13 giờ chiều ngày 24/4.
Trước thời điểm vào làm việc khoảng 15 phút, chúng tôi có mặt tại khu vực nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1, nhưng điều bất thường là thủy điện này lại xả nước với lưu lượng khá lớn, bất chấp việc phía hạ du người dân vẫn đang đánh bắt cá, lượng nước chảy về gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người.
Tại buổi làm việc với ông Vũ Văn Long, Quản đốc nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1, ông Long cho biết: “Về nguyên tắc, nhà máy tuân thủ theo điều kiện phối hợp vận hành, điều tiết ngày đêm, nếu có nước thì đề nghị xin phát, nhưng mình phải xả dần để tránh sạt lở. Theo quy định nếu không phát điện mình phai xả đúng lưu lượng.”
Giải thích về dòng sông “chết” bất thường ngày 23 và 24/4, ông Long cho hay, Nhà máy phát điện 9 giờ, tầm 11 đến 12 giờ trưa, do bên chuyên gia Trung Quốc nói cửa van không điều khiển từ xa được nên đóng lại để sửa. Hoặc hôm nào đó mới phát điện xong, lưu lượng nước phía hạ du lớn nên nhà máy không thể xả thêm được…
Trong khi đó, nhìn nhận từ góc độ địa phương, ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm cho biết: “Việc tích, xả nước của thủy điện rất phức tạp. Trước đây từng có lúc nhà máy tích nước đóng kín, nước không chảy về phía hạ
du, bà con phản ánh sông cạn nước đã hơn 45 phút, tôi buộc phải gọi điện cho lãnh đạo nhà máy xả nước.”
Ông Lưu cho biết thêm, thủy điện Bảo Lâm 1 khi đóng xả nước còn gây sạt lở bờ sông, một số hộ dân vẫn chưa được đền bù. Ngoài ra, việc tích nước đã làm nứt hai đầu cầu treo đường đi xã Đức Hạnh và cầu Km22 và nguy cơ sạt lở 200m đường giao thông nông thôn và dọc quốc lộ 4C. Tuy nhiên, việc này doanh nghiệp vẫn chưa triển khai…