BVR&MT – Dưới sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả trồng rừng, khoán bảo vệ rừng các năm đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 25%, giá trị tăng trưởng lâm nghiệp bình quân đạt 3,9%/năm.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thể hiện rõ thông qua kết quả trồng rừng, khoán bảo vệ rừng qua các năm đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp có xu hướng giảm, không còn điểm nóng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; nhận thức của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được nâng cao.
Năm 2020, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 25%, giá trị tăng trưởng lâm nghiệp bình quân đạt 3,9%/năm. Năm 2021, trước ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh vẫn trồng được 701 ha rừng tập trung (đạt 100% kế hoạch), hơn 1 triệu cây phân tán (vượt 2% kế hoạch); giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 118 tỷ đồng (tăng 3,8% so với năm 2020).
Triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các Hạt kiểm lâm đẩy mạnh kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng trồng cây phân tán theo kế hoạch, đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp theo chuỗi hành trình từ khâu thu hái vật liệu, cây mầm, quy trình sản xuất giống, đến lô cây con phục vụ công tác trồng rừng.
Đồng thời, đôn đốc các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra tình hình xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng và đất lâm nghiệp nhằm kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chế biến, cất giữ lâm sản ký cam kết bảo vệ rừng; hướng dẫn chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng trên diện tích rừng được giao.
Năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai 141 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành về lâm nghiệp, phát hiện 17 vụ vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền 30 triệu đồng.
Tại huyện Sông Lô, một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với gần 4.000 ha, trong đó, rừng phòng hộ chiếm 1.400 ha, còn lại là rừng sản xuất.
Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, năm 2021, toàn huyện trồng được hơn 179.000 cây phân tán, 170 ha rừng tập trung, 100% diện tích rừng phòng hộ được giao khoán cho các tập thể, cá nhân quản lý, bảo vệ phát triển.
Là hộ dân được giao quản lý hơn 50 ha rừng phòng hộ, tại xã Đồng Quế (Sông Lô), ông Lê Văn Khiêm cho biết: “Được Nhà nước tin tưởng giao quản lý rừng phòng hộ từ năm 1996, hơn 25 năm gắn bó với rừng, tôi chưa để xảy ra vụ việc gì gây tổn hại trên diện tích rừng quản lý.
Trước kia, mật độ phủ rừng khu vực này chỉ đạt 1.600 cây/ha, đến nay đã tăng lên 2.000 cây/ha. Định kỳ mỗi tuần một lần, tôi đi dọc theo bìa rừng để kiểm tra, tần suất kiểm tra có thể tăng vào những ngày hè nắng nóng hay mùa khô, kịp thời phát hiện dấu hiệu gây nguy cơ cháy hoặc diện tích rừng bị xâm hại để phối hợp với cán bộ kiểm lâm khắc phục, xử lý theo quy định”.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sông Lô Vũ Ngọc Hiến cho biết: “Xác định ý thức của người dân đóng vai trò then chốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hạt thường xuyên kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ và phát triển rừng.
Ngoài ra, hạt cũng khuyến khích chủ rừng gắn bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế, tạo điều kiện giúp đỡ về kiến thức đối với các mô hình chuyển đổi cây rừng sản xuất, trồng cây dưới tán rừng, gây nuôi động vật hoang dã, gia súc, gia cầm theo quy định, phù hợp với vị trí rừng từng khu vực, cho hiệu quả kinh tế cao.
Mặt khác, hạt tích cực phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh trồng cây phân tán tại khu vực dân sinh, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, góp phần nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM”.
Hướng tới mục tiêu quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia và quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2030, thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 của Tổng cục Lâm nghiệp, vừa qua, UBND tỉnh đã ban thành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ thường xuyên, tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, vi phạm về đất rừng; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp với đơn vị chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương để xảy ra cháy rừng, phá rừng, xâm lấn đất rừng trên địa bàn quản lý.
Năm 2022, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu giữ vững độ che phủ rừng đạt 25%, trồng mới 700 ha rừng tập trung, 600 nghìn cây phân tán và nâng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 122,8 tỷ đồng.