BVR&MT – Ngày 27/04/2017 tại UBND xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã diễn ra Hội thảo tổng kết dự án VNM/SGP/OP5/Y4/STAR/2014/09: “Tăng cường năng lực cộng đồng thôn bản trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nhằm hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai góp phần quản lý rừng bền vững và sẵn sàng thực hiện (REDD+) ở cấp tỉnh”.
Dự án được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP-GEF SGP) tài trợ và Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Nghiệp Việt Nam thực hiện từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2016.
Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu gồm: Đại diện Chương trình UNDP-GEF SGP, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA), Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, Đại diện của Chương trình REED+ Lào Cai, Đại diện UBND huyện Mường Khương, Đại diện UBND xã Tả Ngải Chồ, người dân các thôn tham gia dự án, các đối tác và cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh.
Qua hơn 02 năm thực hiện, dự án đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể cho người dân địa phương xã Tải Ngải Chồ, gồm: (1) Nâng cao nhận thức của cộng đồng xã Tả Ngài Chồ và các bên có liên quan về vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên đặc biệt là cộng đồng trong xây dựng và thực hiện kế hoạch BV&PTR; (2) Xây dựng và thực hiện kế hoạch BV&PTR góp phần hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở xã Tả Ngài Chồ; (3) Xây dựng, vận hành và chuyển giao mô hình Quỹ phát triển sinh kế cộng đồng góp phần thực hiện kế hoạch BV&PTR bền vững và hiệu quả; (4) Thiết kế thí điểm Cơ chế giám sát, phản hồi về các hoạt động của dự án; và (5) Đúc kết những bài học kinh nghiệm của Dự án, chia sẻ và nhân rộng mô hình.
Trong quá trình thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như:
• 01 khóa tập huấn về vai trò của rừng đối với môi trường và biến đổi khí hậu nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức về mối liên hệ quan trọng giữa rừng và môi trường tự nhiên với sự tồn tại của con người và các hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, dự án tổ chức cho đại diện một số hộ gia đình trong xã đi tham quan học tập các mô hình sản xuất tại các địa phương khác.
• Xây dựng Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng: Người dân của 12 thôn đã được hỗ trợ để họ tham gia xây dựng kế hoạch nhằm giúp quản lý và gắn kết trách nhiệm cũng như quyền lợi của người dân với các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
• Hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế, như: Mô hình trồng Hồi, Mô hình trồng Ngô giống mới, Mô hình trồng Đậu tương, Mô hình nuôi lợn nái Mường Khương và Mô hình nuôi gà. Mục đích của dự án giúp người dân nâng cao thu nhập từ đó giảm áp lực lên rừng và tài nguyên thiên nhiên tại địa phương. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ 1 máy ấp trứng có công suất tối đa 3000 trứng/lần, giúp việc chăn nuôi gà ở địa phương được dễ dàng hơn.
• Xây dựng và phát triển Quỹ cộng đồng nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương từ việc huy động các nguồn vốn từ dự án, từ hoạt động bảo vệ rừng của các hộ gia đình. Mục đích của Quỹ là hỗ trợ người dân thực hiện và phát triển lâu dài các mô hình sản xuất, nông nghiệp, lâm nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ người dân địa phương xây dựng các cơ chế quản lý giám sát dự án, cơ chế phản hồi và minh bạch trong các hoạt động tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh các thành công, dự án vẫn còn một số tồn tạ và hạn chế do cả lý do chủ quan và khách quan, cụ thể như:
• Một số hoạt động của dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu, bao gồm cả việc tổ chức triển khai, bố trí nhân sự và xây dựng kế hoạch thực hiện, cũng như việc xây dựng các mô hình ở thôn bản do các lý do khách quan trong quá trình thực hiện.
• Lực lượng thực hiện dự án chưa nắm chắc các nội dung công việc từ đầu, trong khi điều kiện thực hiện dự án ở hiện trường có rất nhiều khó khăn, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều hạn chế trong việc thay đổi thói quen, tập quán cũ và tiếp thu các mô hình sinh kế mới.
• Việc phối hợp giữa Ban điều hành, nhóm chuyên gia và những người trực tiếp thực hiện dự án chưa được thường xuyên và chặt chẽ, do đó một số vấn đề cụ thể phát sinh trong khi triển khai tại địa phương chậm được xử lý dẫn đến lúng túng trong việc triển khai một số hoạt động và góp phần làm dự án bị chậm.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã xem một đoạn phim ngắn giới thiệu về dự án để hiểu rõ hơn về quá trình hình thành, thực hiện và các thành công trong dự án. Đại diện chính quyền địa phương, các bên liên quan và các hộ dân cũng đã tham gia phát biểu ghi nhận những đóng góp của Dự án trong 02 năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền cấp cơ sở trong quản lý và bảo vệ rừng và thực hiện có hiệu quả các mô hình sinh kế ở xã Tả Ngải Chồ.
Ban điều hành dự án đã tiến hành trao bằng khen và tiền thưởng cho các hộ gia đình đã có nhiều cố gắng thực hiện các mô hình của dự án. Ký kết và bàn giao Quỹ cộng đồng cho 12 thôn bản (hiện gộp lại là 09 thôn) quản lý, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo xã và đại diện của nhà tài trợ UNDP và các bên có liên quan.
Như vậy, mặc dù dự án đã chính thức kết thúc về mặt thủ tục hành chính, nhưng các kết quả và mô hình dự án sẽ tiếp tục được người dân, lãnh đạo UBND xã Tả Ngải Chồ cam kết duy trì và nhân rộng thông qua việc vận hành hiệu quả nguồn Quỹ cộng đồng để tạo ra sự thay đổi tích cực cho người dân và địa phương trong tương lai.
Hậu Thạch