BVR&MT – Sáng ngày 30/11 tại Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo góp ý cho dự thảo về Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam – Vietnam Rice”.
Đây là lần thứ 4, Dự thảo được lấy ý kiến và hoàn thiện theo tinh thần Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Đề án phát triển Thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo dự thảo quy chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”. Gạo được đề cập trong quy chế là các loại gạo trắng, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng của các giống lúa thuộc loài Oryza sativa L. Sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận có đặc tính phù hợp với các chỉ tiêu chất lượng trong các tiêu chuẩn quốc gia: TCVN 11888:2017 gạo trắng, TCVN 11889:2017 gạo thơm trắng và TCVN 8369:2010 gạo nếp trắng.
Ngoài ra, doanh nghiệp được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE” cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: là doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương trong suốt quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng ổn định, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Việc xay xát gạo phải tiêu chuẩn TCVN 11890:2017 Quy phạm thực hành đối với xay xát, bảo quản và đóng gói trong điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận…
Bên cạnh đó, quy chế cũng nêu rõ thời hạn của Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE” là 3 năm và được cấp lại nếu doanh nghiệp có yêu cầu…
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: Quy chế này được xây dựng trên cơ sở bám sát vào các quy định của Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu nhằm giữ gìn uy tín, quảng bá sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm gạo Việt Nam; đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm mang thương hiệu này trên thị trường.
Được biết, nhiều năm nay, Việt Nam vẫn đứng “top” đầu thế giới về XK gạo. Điều dễ thấy là, do chưa tạo dựng được thương hiệu nên gạo Việt XK thường xuyên rơi vào vòng luẩn quẩn lượng nhiều, giá bán thấp. Ngay như trong 11 tháng đầu năm nay, XK gạo dù đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, song giá gạo XK bình quân 10 tháng năm chỉ đạt 448,6 USD/tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. So với các đối thủ như Thái Lan, Myanmar…, rõ ràng gạo Việt XK lép vế hơn, nhất là với các dòng sản phẩm gạo thơm của các quốc gia trên, vốn đã có thương hiệu, nức tiếng trên thị trường quốc tế.
Đông Nghi – Xuân Mạc