BVR&MT- Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc tự ý thuê đất nông nghiệp (đất trồng lúa) nhưng sử dụng sai mục đích là điều không được chấp nhận trong các quy định của pháp luật.
Phản ánh của người dân xã Văn Tự
Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường (https://baovemoitruong.org.vn/) nhận được phản ánh của người dân thôn An Lãng, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (TP Hà Nội) về việc có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật trong việc sử dụng đất sai mục đích tại địa phương này.
Theo nội dung đơn thư, sự việc được phản ánh như sau:
Vào khoảng tháng 8 năm 2020, hộ gia đình bà Trịnh Thị Hằng và ông Phạm Văn Sang (là vợ chồng) có đến nhà và đặt vấn đề thuê đất ruộng của một số bà con trong thôn thôn An Lãng, xã Văn Tự. Theo “Hợp đồng cho mượn ruộng” thì bà Trịnh Thị Hằng (bên B) và người dân có “thỏa thuận và đồng ý ký kết hợp đồng mượn ruộng với điều khoản có thời hạn là 60 tháng và dùng cho mục đích sản xuất nông nghiệp (cấy lúa).
Cung cấp cho phóng viên, người dân đưa ra 02 hợp đồng mượn ruộng nêu trên, có chữ ký của bà Trịnh Thị Hằng và người dân. Theo hai hợp đồng này, thì số diện tích ruộng được thuê và cho thuê có tổng diện tích là 3.549,9m2 ruộng Ao Nám và đó là đất được các bên xác định là đất ruộng đang bỏ hoang do xã viên không canh tác. Chi phí cho thuê được các bên thống nhất là 20kg thóc/sào/năm (tính theo giá thuê Nhà nước quy định và thanh toán vào cuối năm hàng năm).
Các hợp đồng thuê ruộng giữa người dân và bà Trịnh Thị Hằng thôn An Lãng, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (TP Hà Nội).
Theo người dân, mặc dù đã có điều khoản thỏa thuận rõ trong hợp đồng rằng bên thuê chỉ được sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp là trồng lúa và không được tự ý làm thay đổi hiện trạng của thửa ruộng.
Thế nhưng, theo đơn thư của bà Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1948) chỉ sau khoảng 02 tháng thuê đất, tức là vào khoảng tháng 10 năm 2020 gia đình bà Hằng đã tự ý ý thuê máy xúc, máy múc vào múc toàn bộ đất của thửa ruộng đã thuê của hộ bà Tâm. Số đất múc lên được bà Hằng đổ lên và lấp vào mương Ao Nám (theo người dân diện tích mương Ao Nám khoảng 2.500m2).
Tương tự, đối với phần diện tích đất ruộng đã thuê của gia đình hộ bà Doãn Thị Đắc (sinh năm 1966) cùng tại vị trí khu ruộng này, hộ bà Trịnh Thị Hằng cũng đã cho múc đất để khai thác sử dụng và lấp vào mương Ao Nám.
Vị trí có các thửa ruộng được thuê nhưng đã múc vét thành ao với diện tích mặt nước lớn trong phản ánh của người dân.
Theo trình bày của người dân, có khoảng gần 10 hộ gia đình có diện tích đất ruộng trồng lúa tại đây đã được cho bà Hằng thuê lại. Và ở thời điểm hiện tại, tổng diện tích được thuê và cho thuê này đã không còn là mặt ruộng, cũng không được sử dụng trồng lúa mà đã được thay thế bằng mặt nước. Nghĩa là sau khi phần đất được múc để lấp vào mương Ao Nám và sử dụng cho mục đích khác, thì phần ruộng của nhiều hộ gia đình nơi đây đã trở thành một cái ao lớn.
Nghĩa là, sau hoạt động thuê và cho thuê đất ruộng trồng lúa giữa người dân và gia đình bà Trịnh Thị Hằng, thì hiện tại có một phần khoảng 2.500m2 mương nước Ao Nám đã bị lấp, và có một phần diện tích vô cùng lớn đất ruộng trồng lúa đã được “hô biến” thành mặt áo nước.
Theo người dân, họ đã có đơn thư nhiều lần đến UBND xã Văn Tự nhưng chỉ được chính quyền xã này hướng dẫn các bên hòa giải nội bộ chứ không kiểm tra xử lý gì.
Theo người dân, ngay từ khi phát hiện ra các hành vi này, họ cũng đã có ý kiến thắc mắc và đề nghị gia đình bà Hằng không được phép làm thế. Tuy nhiên, lấy nhiều lý do, hộ bà Hằng vẫn tiếp tục vi phạm điều khoản đã thống nhất trong hợp đồng thuê ruộng của 2 bên.
Không những thế, khi nhận thấy hành vi này có thể đang vi phạm các quy định về sử dụng đất nông nghiệp thì một số hộ dân đã đề nghị hủy hợp đồng cho thuê ruộng. Người dân yêu cầu bà Hằng trả lại ruộng để người dân canh tác nhưng đến nay vẫn không được hộ bà Hằng thực hiện.
Khi gửi đơn thư phản ánh đề nghị chính quyền vào cuộc thì người dân chỉ được UBND xã Văn Tự yêu cầu các bên tự thỏa thuận, hòa giải với nhau mà không có bất kỳ việc xử lý nào với sai phạm (nếu có).
Có dấu hiệu sai pháp luật
Từ các nội dung phản ánh của người dân và qua ghi nhận thực tế, phóng viên nhận thấy có một số vấn đề có thể có dấu hiệu của việc sai quy định pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp tại đây. Và nếu điều đó là đúng, thì điều này đang là nguy cơ có thể dẫn đến những rủi ro về nguồn tài nguyên đất được quy định rất rõ trong Luật Đất đai.
Thứ nhất, theo quy định của Luật đất đai 2013, thì đất ruộng được hiểu là dùng để trồng lúa (LUC). Vì thế, nếu diện tích đất này được chuyển đổi sang sử dụng với mục đích khác như đào ao, thả cá hoặc trồng cây lâu năm mà không được sự đồng ý, cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì được hiểu là đã vi phạm vào quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, nếu như phản ánh của người dân là đúng, và toàn bộ diện tích ruộng được thuê đã được tự ý biến đổi thành diện tích mặt nước, biến ruộng thành ao thì đây hoàn toàn có thể đã vi phạm vào quy định của pháp luật.
Phòng một cửa – tiếp dân của UBND xã Văn Tự bật quạt và điện chạy nhưng văn phòng không có một ai làm việc trong thời gian khá lâu (Khoảng 15h ngày 03/04/2024).
Thứ hai, căn cứ theo quy định tại khoản 7, khoản 9 Điều 24 Nghị định 03/2022/NĐ-CP, nếu như phần mương nước được nêu trong phản ánh bên trên của người dân thuộc công trình thủy lợi thì việc tự ý xâm phạm (ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao…) trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi quy định tại khoản Điều 8 Luật Thủy lợi 2017.
Từ các căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, theo nội dung phản ánh của người dân thì cho rằng các hoạt động này đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật là hoàn toàn có căn cứ. Tất nhiên, kết luận cho việc này cần có sự vào cuộc kiểm tra, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bởi nếu các vi phạm nếu có không được phát hiện và xử lý kịp thời thì rất có thể đem lại hậu quả tiêu cực và khó khắc phục khi các sai phạm kéo dài hoặc mức độ nghiêm trọng.
Đối với UBND xã Văn Tự là cơ quan chính quyền cấp cơ sở, cũng là đơn vị chính quyền sát sao nhất trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên thì khi nhận được phản ánh về các vấn đề này thì chính quyền UBND xã Văn Tự cần phải nhanh chóng vào cuộc để thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình.
Khoảng 15h ngày 03/04/2024 hầu hết các phòng làm việc kể cả phòng của Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Văn Tự đều không có người làm việc, khóa cửa hoặc mở cửa bật quạt, sáng đèn nhưng không có người làm việc.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, dù đã có đơn thư phản ánh nhiều lần, nhưng chính quyền UBND xã Văn Tự mới chỉ đang dừng lại ở hành động cho các bên liên quan hòa giải với nhau. Nếu điều này là đúng thì UBND xã Văn Tự chưa thực hiện đúng và đủ chức năng nhiệm vụ của mình.
Để tìm hiểu về các thông tin phản ánh bên trên, góp phần cùng chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền về việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, phóng viên đã đến liên hệ để được làm việc với UBND xã Văn Tự và UBND huyện Thường Tín, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi làm việc từ các cơ quan này.
Nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng pháp luật trong công tác quản lý đất đai, sử dụng tài nguyên đất hợp lý, đúng quy định, Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường kính chuyển nội dung phản ánh của người dân thôn An Lãng, xã Văn Tự, huyện Thường Tín đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền để biết, kiểm tra và giải quyết các vi phạm (nếu có).
Phóng viên Phòng Chuyên đề