Ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh

BVR&MT – Tại hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” tổ chức sáng 12/6, đại diện tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cho biết sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm quý hiếm này.


Cây sâm Ngọc Linh được người dân huyện Nam Trà My, Quảng Nam khoanh nuôi. Ảnh: VGP/Thế Phong

Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều ý kiến nêu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh thành cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, phát triển các sản phẩm từ cây sâm Việt Nam thành hàng hóa có tính cạnh tranh đáp các ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Để thực hiện các giải pháp phát triển cây sâm Ngọc Linh, các đại biểu cho rằng cần có chính sách đặc thù cho đối tượng này, từ chính sách sử dụng rừng để phát triển nuôi trồng quy mô lớn đến các ưu đãi về giao đất, miễn giảm thuế, vay vốn, thủ tục hành chính để kéo các DN có năng lực đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sâm trên cả hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đặc biệt ưu tiên cho các cơ sở áp dụng công nghệ cao trong nhân giống dược liệu.

Kỹ sư Trương Thị Phương Lan (Công ty Sâm Sâm) cho rằng phải chú trọng đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, thu hút DN sản xuất, chế biến theo hướng phát triển công nghiệp dược liệu cho sâm Ngọc Linh; phát triển sản phẩm dược liệu từ sâm phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu.

Ngay từ bây giờ phải tăng cường quảng bá thương hiệu, xây dựng chiến lược cấp quốc gia và huy động nguồn lực để xây dựng những vùng nguyên liệu đủ lớn, sản xuất ra thật nhiều sản phẩm, qua đó xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm ra thị thế giới.

Cây sâm Ngọc Linh mộc dưới tán rừng tự nhiên. Ảnh: VGP/Thế Phong

Còn theo TS. Nguyễn Bá Hoạt (Viện Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm thiên nhiên), cần xây dựng ngay DN khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh giống sâm Ngọc Linh gắn với việc lưu giữ bảo tồn nguồn gene với phát triển trồng sâm dưới tán rừng tự nhiên; phát triển và mở rộng hình thức trồng sâm dưới dàn mái che có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến theo phương thức sản xuất hữu cơ.

Về phía địa phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum cho biết thời gian tới, địa phương sẽ ưu tiên nhiều nguồn lực để đầu tư nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh gắn với việc chọn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kết hợp chế biến sâu sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ sản phẩm quý hiếm này.

Tại hội thảo, tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và chuyển giao quy trình kỹ thuật nâng cao tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ sống của cây giống và việc trồng, chăm sóc cây sâm núi Ngọc Linh để có cơ sở khoa học khuyến cáo bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại địa phương trong thời gian đến có tính bền vững cao.

Đề nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Quảng Nam và Kon Tum lập hồ sơ, thủ tục xây dựng thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh để bảo hộ quyền đối với người trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng.

Đề nghị Bộ KH&CN nghiên cứu, hỗ trợ công nghệ tiên tiến, phù hợp trong việc quản lý, bảo vệ các vườn sâm núi Ngọc Linh.