BVR&MT – Những cải cách nền tảng đối với buôn bán động vật hoang dã hợp pháp trị giá 320 tỷ USD sẽ được đưa ra để thảo luận tại một hội nghị quốc tế lớn trong tháng này khi các nhà vận động tìm cách hiện đại hóa một hệ thống mà họ cho rằng không hề thay đổi trong gần 50 năm.
Buôn bán mọi thứ – từ sừng tê giác và ngà voi đến da trăn, hoa lan và gỗ tự nhiên – được quy định bởi Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), một hiệp ước có từ năm 1975 và được hơn 180 quốc gia trên thế giới ủng hộ.
Nhưng các nhà vận động cho rằng cách thức CITES quản lý buôn bán ĐVHD toàn cầu không được cập nhật kể từ khi được thiết lập. Đặc biệt, công ước này vẫn dựa vào một hệ thống giấy phép trên giấy tờ chứ không tích hợp với các giao thức hải quan quốc tế, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, cơ sở để CITES hoạt động – liệt kê những loài bị hạn chế hoặc bị cấm hoàn toàn việc buôn bán – là điều ngược lại với nhiều ngành khác. CITES nên được đảo ngược, chỉ liệt kê những loài được phép buôn bán, và những người muốn kiếm lợi phải chứng minh rằng thương mại là bền vững.
Lynn Johnson, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Nature Needs More chuyên giám sát việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm ĐVHD, nhận ra có nhiều lỗ hổng quan trọng trong hệ thống pháp lý cần giải quyết trước tiên.
“Xem xét tất cả các nghiên cứu đã được thực hiện, chúng tôi tìm thấy một nghiên cứu rằng chỉ có 7,3% giấy phép CITES là nhất quán, và một nghiên cứu được công bố trong năm nay cho thấy trung bình một loài phải mất 12 năm mới được liệt kê vào Sách đỏ IUCN rồi từ đó nguy cơ tuyệt chủng mới được quy định theo Công ước CITES”.
Sự không ăn khớp trong hệ thống giấy phép có thể xuất phát từ nguyên nhân đơn giản như các viên chức không ghi nhận có bao nhiêu mặt hàng cụ thể đang được xuất khẩu, theo Peter Lanius, đồng giám đốc của Nature Needs More.
“Hầu hết giấy phép được điền bằng tay và những người thực hiện không được đào tạo hoặc thiếu kiến thức để thực hiện đúng cách”.
Cả Johnson và Lanius đều cho rằng hệ thống giấy phép này lỗi thời đến mức để buôn bán ĐVHD bất hợp pháp nở rộ; con số mới nhất cho quy mô của ngành này là 258 tỷ USD mỗi năm.
Họ cho biết từ năm 2010, CITES và các quốc gia ký kết đã thảo luận về việc tạo ra một hệ thống điện tử được tích hợp hoàn toàn với hải quan, với chi phí ước tính khoảng 40 triệu USD. Cho đến nay không nước nào tài trợ cho hệ thống này.
Johnson chỉ ra một thực tế rằng các NGO bảo tồn có xu hướng tập trung bảo vệ các loài riêng lẻ, thay vì toàn bộ hệ thống hoạt động như một chỉnh thể.
Theo Nature Needs More, việc tạo ra một hoạt động buôn bán ĐVHD hợp pháp được chế định tốt hơn có thể có những tác động dây chuyền đối với hoạt động phi pháp.
Nếu đạt được con số 10%, thì nạn buôn bán ĐVHD bất hợp pháp sẽ giảm từ trị giá ước tính 260 tỷ USD xuống còn 32 tỷ bảng/năm.
Các đề xuất cải cách phải được một trong những quốc gia ký kết đưa ra tại hội nghị CITES, diễn ra tại Geneva từ ngày 17-28/8. Johnson và Patman mong muốn đó là một quốc gia có thẩm quyền (chẳng hạn ở Châu Phi hoặc châu Á). Chính phủ Úc cũng như EU đã bày tỏ ủng hộ đề xuất.
Nhật Anh (Theo Mongabay)