BVR&MT – Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh xây dựng bộ chỉ số DCI – bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, các sở, ngành, địa phương; hằng năm, tiến hành khảo sát, công bố xếp hạng chỉ số này.
Ðây cũng là cơ sở giúp tỉnh xác định các “điểm nghẽn” trong chỉ đạo, điều hành, từ đó giải quyết các nút thắt, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.
Ðến năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh của Tuyên Quang xếp thứ 31 trong số 63 tỉnh, thành phố, tăng 32 bậc so với năm 2013. Hiện tỉnh đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Năm 2020, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 237 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh là 1.906 doanh nghiệp.
Ðồng thời, tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 31 dự án với tổng số vốn đăng ký 4.466 tỷ đồng.
Năm 2021, tỉnh phấn đấu tăng từ hai đến bốn bậc trên bảng xếp hạng chỉ số PCI, nằm trong tốp khá cả nước. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giải quyết, rà soát, loại bỏ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở mỗi cơ quan, đơn vị; công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Ðồng thời, duy trì việc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp và thực hiện thí điểm giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư làm đầu mối tổ chức việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư thực hiện dự án nằm ngoài khu công nghiệp. Triển khai thực hiện cắt giảm triệt để chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức của doanh nghiệp; tạo một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định…
★ Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh ưu tiên đầu tư nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tỉnh chuyển đổi gần 19.800 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến như: nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, rau màu, cây ăn trái, dừa hữu cơ kết hợp trồng màu… Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế từ 100 đến 500 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.
Tỉnh đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đến năm 2025 đạt 30 nghìn tỷ đồng/năm, đóng góp khoảng 21% trong giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh. Tỉnh ưu tiên triển khai thực hiện hai chương trình quan trọng là chính sách ưu đãi và đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Với chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh dành nguồn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, nâng cao chuỗi giá trị, bền vững đầu ra của sản phẩm ở thị trường trong nước và cả xuất khẩu. Tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương để thực hiện các dự án hạ tầng phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với chính sách ưu đãi, tỉnh tập trung đầu tư cho việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, giúp nông dân tăng thu nhập.