BVR&MT – Sau một thời gian triển khai, mô hình mẫu trồng ngô sinh khối làm nguyên liệu phục vụ cho dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống của Công ty TNHH Phú Lâm tại xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đã cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, mô hình này tiếp tục được thực hiện tại các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân.
Với mục tiêu xây dựng và hình thành được mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã triển khai xây dựng 2 mô hình mẫu trồng ngô sinh khối tại huyện Đầm Hà và Tiên Yên từ cuối tháng 8-2016, bằng nguồn kinh phí của Công ty TNHH Phú Lâm. Đây là mô hình thuộc Đề án chuyển đổi diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh. Diện tích trồng tại 2 huyện là 10ha với 20 hộ dân tham gia, mô hình sử dụng giống ngô lai đơn NK7328, P4199 và AVA 3668. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn quy trình kỹ thuật, được hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón đạm, lân, kali, thuốc bảo vệ thực vật. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông qua quá trình triển khai mô hình, các giống ngô được trồng có tỷ lệ nẩy mầm cao đạt trên 95%, cây con mọc đều, có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển khoẻ, dễ chăm sóc, chiều cao đạt từ 2,2-2,3m, có đường kính thân lớn; thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng đến lúc chín sữa khoảng 70-75 ngày, có khả năng thích ứng rộng với điều kiện ngoại cảnh, thổ nhưỡng của các địa phương. Thực tế, nếu trồng ngô sinh khối trong vụ xuân hè, hè thu năng suất sinh khối cao hơn nên sẽ nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc trồng ngô sinh khối chu kỳ ngắn, ít chịu phụ thuộc do thời tiết (vì thu hoạch cả thân, lá) nên có thể tăng vụ, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.
Gia đình ông Vũ Xuân Vào ở thôn Bình Minh, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, một trong những hộ dân thực hiện việc chuyển đổi diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô nguyên liệu theo chủ trương của huyện với diện tích 1.000m2. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, gia đình ông được Công ty TNHH Phú Lâm cung ứng trước giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật… nên gia đình ông yên tâm phát triển sản xuất. Với 1.000m2 trồng thí điểm đạt năng suất khoảng 5 tấn. Sản phẩm được Công ty TNHH Phú Lâm thu mua tại ruộng với đơn giá 950 đồng/kg để làm thức ăn cho bò. Như vậy, mỗi ha ngô có thể thu hoạch được 45 đến 50 tấn ngô sinh khối, doanh thu từ 40 đến 45 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí cho lãi khoảng 6,5-7 triệu đồng/ha/vụ, còn với cây lúa đạt khoảng 1 triệu đồng/ha/vụ.
Qua kết quả trên cho thấy việc chuyển đổi đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng thâm canh ngô sinh khối có hiệu quả cao hơn. Với ưu điểm về thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi năm người dân có thể sản xuất được 3 vụ, do đó làm tăng rõ rệt hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất. Được biết, huyện Đầm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn vận động nông dân mở rộng diện tích, hướng người dân đến sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Vụ xuân 2017, bà con nông dân các xã trên địa bàn huyện đã đăng ký trồng trên 100ha, huyện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân mở rộng diện tích trồng trong thời gian tới. Còn huyện Tiên Yên cũng tiếp tục triển khai dự án chuyển đổi đất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi với diện tích 150ha. Có thể thấy, việc sản xuất ngô cao sản làm thức ăn cho gia súc là mô hình phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.