BVR&MT – Ngày 17/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) có Chỉ thị số 1152/CT-BNN-TY về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm (đã xảy ra ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh), bệnh lở mồm long móng (đã xuất hiện ở các địa phương: Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Tiền Giang), có diễn biến phức tạp, gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng. Bộ NN và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện một số giải pháp chính sau: Đối với các địa phương đang có dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng: tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài; trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định của Luật Thú y. Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao: Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi; rà soát, kịp thời tổ chức tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, dại…, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, nguy cơ cao. Tổ chức đồng loạt, cùng thời điểm (trong vòng 7 đến 10 ngày) việc tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt có giải pháp cụ thể để ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam…
* Tỉnh Trà Vinh vừa phát hiện dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm tại hai hộ chăn nuôi ở huyện Cầu Kè, với tổng đàn hơn 1.700 con; có gần 1.000 con gia cầm mắc bệnh và chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức tiêu hủy ngay số gia cầm nêu trên, hướng dẫn tiêu độc, khử trùng.
* Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan diện rộng, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tiêm phòng hai đợt đại trà cho đàn gia cầm trong năm 2020. Cụ thể, đợt 1 triển khai từ ngày 1/3 đến 1/4; đợt 2 triển khai từ ngày 1/9 đến 1/10.
* Trưa 17/2, đã xảy ra cháy rừng tại núi Minh Đạm thuộc khu vực đèo Nước Ngọt, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu). Theo nhiều người dân sống tại đây, trưa cùng ngày, họ thấy khói bốc lên từ triền núi ở gần đèo Nước Ngọt, tưởng do đốt rác, sau đó phát hiện lửa bùng lên, cộng gió mạnh vì gần biển và cây khô nhiều sau thời gian dài không mưa cho nên đám cháy lan rất mạnh. Đến chiều cùng ngày đám cháy đã tạm được khống chế.
* Ngày 17/2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN và PTNT tỉnh An Giang cho biết, đang phối hợp các doanh nghiệp khẩn trương nạo vét kênh Vĩnh Tế từ xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc đến xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, với tổng chiều dài gần 42 km, thời gian từ giữa tháng 2 đến cuối năm; với tổng kinh phí hơn 230 tỷ đồng để phòng chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất đối với diện tích trồng lúa và hoa màu có khả năng bị ảnh hưởng.
* Theo Công ty TNHH Khai thác các công trình thủy lợi (Sở NN và PTNT tỉnh Ninh Thuận), do không có mưa trong thời gian dài cho nên nhiều hồ chứa trên địa bàn thiếu nước nghiêm trọng, có một số hồ cạn trơ đáy như: Hồ Phước Trung, hồ Phước Nhơn (huyện Bác Ái); hồ Bà Râu (huyện Thuận Bắc); hồ Ông Kinh, Thành Sơn (huyện Ninh Hải)… Tính đến ngày 17/2, lượng nước ở 21 hồ chứa chỉ đạt 60,97 triệu m3, chiếm 35,9% dung tích thiết kế.
* Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện mực nước các hồ thủy lợi trong tỉnh đạt khoảng 50 đến 80% dung tích thiết kế. Với thực trạng nguồn nước và nhận định của ngành khí tượng – thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ đông xuân 2019-2020 và vụ hè thu năm 2020.
* Theo Sở NN và PTNT Cà Mau, đến ngày 17/2, toàn tỉnh có thêm gần 17 nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, nâng tổng số hộ dân thiếu nước lên hơn 20.500 hộ; tập trung phân thành bốn nhóm: Đối tượng ở khu vực gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng (nhóm 1) với 6.061 hộ; đối tượng đang sử dụng hệ thống nước nối mạng bị xuống cấp, không đủ nước cung cấp (nhóm 2) với 6.203 hộ; đối tượng ở khu vực dân cư thưa thớt, phân tán (nhóm 3) với 4.188 hộ và nhóm 4 là đối tượng ở khu dân cư tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước, với 4.090 hộ…
* UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xử lý sạt lở cấp bách sông Kôn đoạn qua thị xã An Nhơn và sông Cạn, huyện Phù Mỹ, có tổng chiều dài 3.000 m; thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2021; dự kiến tổng mức đầu tư là 61 tỷ đồng, nhằm tiêu úng, thoát lũ, giảm nhẹ thiên tai gây ra do bão lụt; chống xói lở ven bờ; kết hợp làm đường giao thông phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân…
* Đài Khí tượng – Thủy văn Lào Cai cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ngày 17/2, nhiệt độ các khu vực trong tỉnh tiếp tục giảm, vùng thấp có nơi rét đậm, vùng cao rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở một số nơi như sau: TP Lào Cai 15,30 C; Phố Ràng (huyện Bảo Yên) 14,50C; thị trấn Bắc Hà 8,90C; khu du lịch Sa Pa 5,20C…
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh cho nên ngày 18/2, ở khu vực bắc Biển Đông, gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh. Ở vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 2 đến 4 m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Tập trung lấy nước đợt 3 phục vụ gieo cấy lúa đông xuân Ngày 17/2, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 224/CĐ-TCTL-QLCT về việc lấy nước đợt 3 phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2019-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đợt 3 lấy nước bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/2 đến 0 giờ ngày 22/2 (ba ngày). Trong thời gian trên, mực nước sông Hồng duy trì từ 1,5 m trở lên tại Trạm thủy văn Sơn Tây. Theo đó, Tổng cục trưởng Thủy lợi yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội chỉ đạo, tổ chức vận hành tối đa các công trình thủy lợi hiện có để khẩn trương lấy nước, bảo đảm không phát sinh yêu cầu nguồn nước bổ sung phục vụ gieo cấy sau thời gian lấy nước trong đợt 3; các địa phương tăng cường vận động, hướng dẫn người dân phối hợp với đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức lấy nước, thực hiện các biện pháp gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước trên ruộng, bảo đảm chống thất thoát, lãng phí nước. |