Triển khai mô hình giám sát rác thải biển

BVR&MT – Theo đánh giá rác thải biển tiềm ẩn và gây ra nhiều rủi ro đến môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc giám sát rác thải biển vẫn đang là thách thức với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cán bộ nghiên cứu điều tra nguồn gốc rác thải nhựa tại rừng ngập mặn khu vực Cửa Hới, Thanh Hóa. (Ảnh LAN HƯƠNG)

Nguyên nhân một phần do chưa có mô hình tiêu chuẩn về giám sát rác thải biển chung cho tất cả các quốc gia, hoặc riêng từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học của Viện Ðịa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã xây dựng được mô hình giám sát rác thải biển, phục vụ cho phát triển bền vững tại các địa phương.

Tiến sĩ Dương Thị Lịm, Trưởng phòng Phân tích Thí nghiệm tổng hợp Ðịa lý (Viện Ðịa lý) cho biết, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trên thế giới khuyến khích các nước có biển thực hiện việc giám sát rác thải biển phù hợp điều kiện thực tế khu vực, dựa trên các khung tiêu chuẩn quốc tế, nhằm cung cấp dữ liệu về rác thải biển, đánh giá hiệu quả các chiến lược, kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải đại dương chung trên toàn cầu, ở cấp độ quốc gia, khu vực, địa phương.

Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong tốp 20 nước có lượng rác thải nhựa thải ra biển lớn nhất. Thế nhưng, các nghiên cứu trong nước về rác thải nhựa còn ít, các số liệu đưa ra cũng chưa có minh chứng về phương pháp thu mẫu hiện trường, phân tích rác thải nhựa trong phòng thí nghiệm một cách rõ ràng, khoa học.

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Dương Thị Lịm đã trực tiếp đến các bãi biển nghiên cứu với mục tiêu có một phương pháp giám sát rác thải biển khoa học, ứng dụng được trong điều kiện của từng địa phương.

Trong khuôn khổ đề tài “Ðánh giá mức độ tích lũy rác thải nhựa tại bãi biển tỉnh Thanh Hóa”, các nhà khoa học chọn bãi biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến để nghiên cứu rác thải nhựa bởi đây là những bãi biển chịu tác động của khách du lịch và của rác thải từ trong lục địa đổ ra biển.

“Các nhà khoa học như những người lao công cần mẫn, nhặt, đếm từng mẫu rác thải nhựa lớn hơn 5 mm, định danh ngay trên bãi biển, mẫu được cho vào các lọ thủy tinh, bảo quản và vận chuyển về phòng thí nghiệm để xác định tính chất polymer” – Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, chủ nhiệm đề tài chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhóm cũng nghiên cứu xác định nồng độ vi nhựa (kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 5 mm) trong môi trường nước, trầm tích của ba bãi biển nêu trên và tại cửa Hới – con sông chính của thành phố Thanh Hóa đổ ra biển.

Sau ba năm thực hiện (năm 2020-2022), với các đợt lấy mẫu khác nhau vào mùa mưa và mùa khô để phản ánh toàn diện hoạt động của bãi biển trong năm, nhóm nghiên cứu đã thu 12.326 đơn vị rác trên 13.254 m2 diện tích bãi biển được khảo sát, tương ứng với mật độ dao động từ 0,28-1,22 đơn vị rác/m2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mật độ rác thải cỡ lớn tại các bãi biển tỉnh Thanh Hóa xếp ở mức cao so với các bãi biển trên thế giới. Thành phần rác thải cỡ lớn chủ yếu là mảnh vụn xốp, túi ni-lông và vỏ bọc thực phẩm. Rác thải nhựa polystyrene (PS) chiếm phần lớn, với 77% so với tổng số rác thải nhựa. Ðây là loại polymer được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các sản phẩm dùng một lần (hộp đựng thức ăn, cốc), vật liệu nổi, vật liệu bảo vệ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, vật liệu xây dựng, vật liệu sử dụng trong lĩnh vực hàng hải,…

Theo điều tra thực địa, nhựa polystyrene tại các bãi biển tỉnh Thanh Hóa xuất phát từ các mảnh xốp lớn làm vật liệu nổi cho các tàu thuyền đánh bắt hải sản ven bờ, các phao lưới bị hư hỏng. Rác thải nhựa polystyrene khó thu hồi, xử lý, làm sạch do đặc tính nhẹ, dễ bị sóng, gió cuốn trôi và phát tán rộng rãi ra môi trường. Nhựa polystyrene cũng dễ bị nhầm là thức ăn, làm tắc nghẽn đường tiêu hóa của sinh vật biển và gây độc cho sinh vật biển, có thể tác động xấu đến sức khỏe con người thông qua chuỗi thức ăn.

Mật độ vi nhựa trong môi trường nước tại các điểm khảo sát tương đối lớn, dao động trong khoảng 15,5-44,1 n/m3. Vi nhựa xuất phát từ hoạt động của dân cư vùng ven biển, du lịch dịch vụ; hoạt động đánh bắt thủy sản, sử dụng bãi biển, phương tiện giao thông tại các con đường ven biển, hoạt động buôn bán tạp hóa, đồ ăn vặt ven biển, từ các khu vực nuôi trồng thủy sản vùng ven biển và từ trong lục địa được đưa ra biển thông qua sông Mã và các kênh, rạch vùng ven biển. Còn vi nhựa trong trầm tích được tạo ra từ sự phân mảnh của các mảnh nhựa lớn hơn và từ các sợi được hình thành trong quá trình giặt các sản phẩm dệt may sợi tổng hợp.

Từ thành công của quy trình giám sát rác thải nhựa trên biển và vi nhựa trong trầm tích nêu trên, nhóm đã tiếp tục nghiên cứu tại chín bãi biển của vùng biển Ðà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Ðịnh) – những nơi có hoạt động du lịch, kinh tế biển sôi động thông qua đề tài “Ðiều tra, xây dựng mô hình giám sát rác thải biển và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển Nam Trung Bộ”.

Kết quả của đề tài này cũng chứng minh: Hơn 95% số lượng rác thải biển là rác thải nhựa, tiếp đến là cao su, giấy, thủy tinh, dệt may, gỗ, kim loại… Từ việc định danh rác, xác định tính chất polymer, nhóm nghiên cứu đã “truy” ra được nguồn gốc của rác thải biển.

“Ðiều bất ngờ là kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn gốc rác thải biển tại khu vực này không phải từ hoạt động du lịch như suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, mà từ hoạt động sản xuất thủy sản. Các bãi biển có hoạt động du lịch phát triển và công tác quản lý rác thải của địa phương tương đối tốt, có các thùng thu gom rác được đặt ở các vị trí vui chơi giải trí, cho nên nguồn rác thải ra môi trường rất nhỏ” – Tiến sĩ Dương Thị Lịm, chủ nhiệm đề tài chia sẻ. Theo đó, khoảng 80% lượng rác thải biển tại khu vực Nam Trung Bộ có nguồn gốc từ trong đất liền, từ lĩnh vực hoạt động nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản, mua bán thủy sản.

Trên cơ sở các quy trình giám sát rác thải biển, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải biển tại Ðà Nẵng. Ðáng chú ý, nhóm đã tính toán sự lan truyền của rác thải biển xuất phát từ các nguồn thải khác nhau ở khu vực Ðà Nẵng và xác định được rác thải biển chủ yếu tập trung trong khu vực vịnh Ðà Nẵng, khu vực bãi biển cạnh cửa sông Hàn. Ðó chính là các điểm cần thực hiện theo dõi giám sát rác thải biển định kỳ tại khu vực Ðà Nẵng. Mô hình này có thể được chuyển giao, ứng dụng tại các địa phương để giám sát rác thải biển, xác định nguồn phát thải và có giải pháp quản lý rác thải nhựa phù hợp.

Tiến sĩ Lịm cho biết, khi đã xác định được nguồn phát thải rác nhựa ra biển do hoạt động thủy sản, thì các địa phương cần có giải pháp quản lý rác thải rắn trong lĩnh vực thủy sản, đô thị một cách bền vững, cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường dựa vào các định hướng như: Phát triển công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất thay thế các vật liệu truyền thống bằng các vật liệu xanh, thân thiện môi trường; nâng cao nhận thức của người dân trong công việc phân loại rác thải tại nguồn, tái sử dụng; có cơ chế chính sách động viên, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát triển công nghệ tái chế, thu hồi rác thải nhựa, phát triển công nghệ tái chế vật liệu xanh, thân thiện môi trường…

Theo Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ cắt giảm 75% lượng rác thải nhựa đại dương. Do vậy, để có cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách, kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường biển cần có quan trắc giám sát rác thải biển định kỳ hằng năm, có nguồn dữ liệu chính xác từ các nghiên cứu giám sát rác thải nhựa. Nghiên cứu bước đầu của các nhà khoa học Viện Ðịa lý đã góp phần cho mục tiêu đó. Nhóm nghiên cứu cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu sự ảnh hưởng của rác thải nhựa, vi nhựa đối với sinh vật, thực vật biển và đối với kinh tế-xã hội.