BVRMT – Năm 1989, Việt Nam chính thức tham gia Công ước Ramsar và là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cam kết bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.
Ngày 2/2 hằng năm là Ngày Đất ngập nước thế giới, đánh dấu sự ra đời của Công ước về bảo tồn các vùng đất ngập mặn có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là Công ước Ramsar).
Năm 1989, Việt Nam chính thức tham gia Công ước và là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cam kết bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, nâng tổng số quốc gia thành viên của Công ước này lên 169 quốc gia.
Thực hiện một trong những trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Ramsar, Việt Nam đã đề cử công nhận thành công 8 Ramsar là Xuân Thủy, Bầu Sấu, Ba Bể, Tràm Chìm, Cà Mau, Côn Đảo, U Minh Thượng, Láng Sen, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới 2/2 hằng năm và triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn đất ngập nước trên toàn quốc.
Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới 2017 với chủ đề “Đất ngập nước giảm nhẹ thiên tai” và trồng cây ngập mặn đầu xuân năm 2017 tại khu vực cửa sông ven biển, được tổ chức vào trung tuần tháng 2 tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đất ngập nước có nhiều chức năng rất quan trọng, hỗ trợ hạn chế lũ lụt, chắn sóng và gió bão, chống xói lở và ổn định bờ biển, là nơi du lịch, giải trí, duy trì đa dạng sinh học. Việt Nam có hơn 10 triệu ha đất ngập nước (chiếm khoảng 30% diện tích đất liền).
Đa dạng sinh học của các khu vực này có ý nghĩa toàn cầu và hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ hệ sinh thái trong khu vực. 1/5 dân số Việt Nam đang sống tại các vùng đất ngập nước và phụ thuộc trực tiếp vào việc khai thác, sử dụng các sản phẩm của hệ sinh thái này.
Tuy nhiên, hệ sinh thái đất ngập nước ở Việt Nam đang bị đe dọa bởi các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản, thậm chí chuyển đổi sang phát triển các khu công nghiệp, vấn đề khai thác quá mức tài nguyên và tình trạng ô nhiễm đã xảy ra.
“Việc thúc đẩy, xây dựng và triển khai các mô hình về bảo tồn và đa dạng bền vững đất ngập nước, chú trọng sự tham gia của cộng đồng và hướng tới lợi ích bền vững của cộng đồng là rất cần thiết”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Bộ trưởng cũng kêu gọi các cấp các ngành, mỗi người dân thực hiện việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, giá trị và phương thức quản lý, bảo vệ, sử dụng các vùng đất ngập nước; thúc đẩy việc xây dựng và triển khai các mô hình về bảo tồn và phát triển bền vững đất ngập nước, gắn kết công tác bảo tồn với lợi ích thiết thực của người dân và địa phương.
Tăng cường lồng ghép bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước vào các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu các tác động xấu từ các hoạt động phát triển đến các hệ sinh thái đất ngập nước nhằm bảo đảm phát triển bền vững và sinh kế của người dân sinh sống tại các vùng đất này.