Trăm năm Làng nghề mây tre đan Phú Vinh!

BVR&MTTrải qua hàng trăm năm lịch sử với bao biến cố thăng trầm cùng thời gian, Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã trở thành một trong những cái nôi của nghề mây tre đan Việt Nam. Làng nghề mây tre đan Phú Vinh không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân, mà hơn hết, mỗi sản phẩm nơi đây đều “gồng gánh” cả ước mơ, hoài bão của thế hệ đi trước và chở theo hồn quê.

“Chương Mỹ – đất anh hùng ngàn năm lưu danh sử sách
Phú Vinh –  nghề truyền thống muôn thuở vọng tiếng song mây”
Đi qua cổng làng Phú Vinh, từ ngôi nhà nhỏ, quán nước, hàng tạp hóa… nơi đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh người dân ngồi đan lát. Đôi mắt chăm chú, đôi tay cẩn thận, nhẹ nhàng đan từng đường mây.

Để hiểu hơn về Làng nghề, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Cải (45 tuổi) – chủ xưởng sản xuất đồ mây tre đan có tiếng. Chị Cải cho hay, tuổi thơ của chị gắn liền với mùi mây tre trong làng. Tình yêu với mùi mây tre của quê hương kết hợp với quá trình học việc nghiêm túc đã giúp chị trở thành một người thợ lành nghề. Không chỉ làm ra những vật dụng mộc mạc, giản đơn như khay, đĩa, rổ, rá; nhà chị Cải còn khéo léo sáng tạo những chiếc túi xách hình tròn, hình chữ nhật xinh xắn, có hoa văn đan tết độc đáo. Qua trí tưởng tượng và đôi bàn tay mỹ nghệ tài hoa của người thợ, những sản phẩm tinh xảo được hình thành, mang một nét rất tiêng, rất đặc biệt mà chỉ làng Phú Vinh mới có.

Chia sẻ với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.vn chị Nguyễn Thị Cải cho biết, không riêng gia đình chị mà các hộ dân trong làng Phú Vinh đều dành nhiều tâm sức cho những sản phẩm đan lát. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại đòi hỏi kỹ thuật đan tinh xảo, trau chuốt và không có nhiều sự hỗ trợ của máy móc.

Người thợ cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Những cây mây phải tròn, đẹp thì mới có thể tạo ra sản phẩm như ý. Đến khâu chế biến nguyên liệu, kỹ thuật gồm 2 công đoạn chính là phơi sấy và chẻ mây. Mây được chẻ thành những nan mỏng, sau đó được phơi khô, ngâm nước, sấy một lần nữa để sợi mây có độ dẻo dai rồi mới đến công đoạn đan lát.

Sau khi đan xong, người thợ sẽ kiểm tra xem phần nào chưa đẹp, còn xù xì thì chỉnh sửa, hoàn thiện. Tùy theo nhu cầu mà một số sản phẩm sẽ được sơn bóng để tăng tính thẩm mỹ.

Theo chị Nguyễn Thị Cải, yếu tố tiên quyết để tạo ra một sản phẩm chất lượng là sự tập trung cao độ trong từng công đoạn. Nếu làm việc với tinh thần “làm nhanh, làm chóng” để sớm tạo ra sản phẩm thì khó có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. “Những người thợ như chúng tôi không bao giờ chạy đua với tốc độ hay thời gian. Bởi mây tre đan đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận. Có những sản phẩm phức tạp, một ngày tôi chỉ đan được hai chiếc”, chị Cải tiết lộ.

Nhờ sự chỉn chu trong mỗi công đoạn, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đã tạo ấn tượng trong mắt nhiều khách hàng Việt, thậm chí “lên đường” xuất ngoại sang Trung Quốc, Nhật và một số nước châu Âu.

Cầm trên tay chiếc hộp đựng giấy nhỏ nhắn nhưng được đan chắc chắn, chị Ngọc Linh (27 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Vợ chồng mình rất thích đồ thủ công mỹ nghệ, nhất là đồ truyền thống, nên mình muốn tham quan làng nghề mây tre đan Phú Vinh để tìm hiểu, mua và giới thiệu đến bạn bè rằng đồ Việt Nam thủ công rất đẹp, chất lượng, bền, lại bảo vệ môi trường hơn so với đồ nhựa khó phân hủy”.

Tuy được nhiều khách hàng ủng hộ, nhưng những người thợ làng nghề mây tre đan Phú Vinh vẫn thoáng buồn về vấn đề giá thành sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Cải tâm sự: “Giá thành của sản phẩm không cao, mà nguyên liệu thì đắt, công làm chả được mấy. Người làm ngày một giảm vì người ta phải tìm việc khác để kiếm sống”. Chị Cải cho biết thêm, nguyên liệu đan lát – những cây sợi phải đợi hơn một năm mới thu hoạch được, bởi vậy nên giá thành khá cao. Nếu vội vàng muốn thu hoạch sớm thì sợi mây sẽ không đạt chuẩn như yêu cầu.

Vậy mới thấy, mỗi tác phẩm nghệ thuật mây tre đan làng Phú Vinh đều chứa đựng sự tài hoa, tỉ mỉ, chỉn chu và tấm lòng thủy chung với nghề của những người thợ. Tuy nhiên, nếu câu chuyện buồn về giá thành sản phẩm còn kéo dài, thiết nghĩ, liệu mấy ai còn miệt mài gìn giữ nghề truyền thống của cha ông? Người thợ cần được trả số tiền tương xứng với công sức, tâm huyết họ bỏ ra, để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề trăm năm lịch sử.

Trải qua bao thăng trầm dâu bể, làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho bà con nơi đây. Đồng thời cũng góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc, nét đẹp giản dị mà cha ông để lại.

Thực hiện: Trà Giang – Hồng Nhung