BVR&MT – Dù chỉ mới có hiệu lực hơn một tháng, song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã có nhiều tín hiệu khả quan nhờ một phần lực đẩy từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Hàng Việt “nô nức” sang EU
Ngày 16/9, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng chanh leo đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là lô hàng chanh leo đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1-8-2020. Đợt xuất khẩu đầu tiên này, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã xuất lô hàng 100 tấn chanh leo sang Hà Lan.
Trước đó, nhờ có bước chuẩn bị sẵn sàng cả về vùng nguyên liệu, bao gói, quản lý chất lượng sản phẩm… ngay từ khi Hiệp định EVFTA chuẩn bị thực thi, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho ba khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với hai giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Trong đó, giá gạo ST20 đạt hơn 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với mức giá trước khi EVFTA có hiệu lực (giá gạo ST20 khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn).
Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là hai trong những doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt EVFTA ngay từ khi hiệp định có hiệu lực. Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin, trong tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 50,4 tỷ USD, trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD, tăng 11,4%.
Tính chung, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tám tháng đầu năm đạt 336,92 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3%. Cán cân thương mại cả nước đã xuất siêu gần 13,5 tỷ USD sau tám tháng, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD).
Đáng chú ý, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020. Theo Bộ Công Thương, EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…
Chỉ trong một tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực (từ ngày 1-8 đến 31-8-2020), các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. EU cũng là thị trường lớn thứ 3 của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong tám tháng đầu năm. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan…
Riêng với mặt hàng gạo, sau một tháng triển khai EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng lợi khá lớn bởi thuế suất mặt hàng này về 0%. Nhờ đó, giá xuất khẩu gạo đã tăng từ 80 – 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Với nông sản nói chung, xuất khẩu sang thị trường EU trong tháng 8 đã tăng 15 – 17% so với tháng 7.
Đầu tư nghiêm túc, bài bản
Dù đã có những tín hiệu vui bước đầu, song phải khẳng định EU là thị trường không hề dễ tính, và doanh nghiệp buộc phải có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản nếu muốn chinh phục tốt thị trường này. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An cho biết, EU là thị trường đặc biệt cao cấp, có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm rất cao, đặc biệt là vấn đề về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật luôn là rào cản lớn nhất để vào được thị trường này.
Do đó, Trung An đã tập trung triển khai chương trình cánh đồng mẫu lớn theo mô hình liên kết trực tiếp với người nông dân theo phương thức đôi bên cùng có lợi. Đến nay, doanh nghiệp này đã phát triển được 30 nghìn ha diện tích cánh đồng đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng của mình. Đặc biệt, Trung An đang dành riêng 800ha tại Kiên Giang phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ để đáp ứng khách hàng đặc biệt khó tính về chất lượng theo hình thức 100% tự nhiên không phân thuốc bảo vệ thực vật.
Về phía các cơ quan chức năng, Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng lưu ý, doanh nghiệp Việt không nên xem EVFTA là “cứu cánh” mà chỉ nên xem những ưu đãi từ hiệp định là yếu tố hỗ trợ. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội lực và sự cố gắng không ngừng của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà EVFTA đem lại để có thể phát triển và trụ vững trên thương trường quốc tế.
Để duy trì những kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng hiệp định này.