BVR&MT – Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 7 tháng năm 2017, xuất khẩu rau củ quả đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, nhập khẩu rau củ quả đạt hơn 850 triệu USD, chiếm tỷ lệ hơn 40% so với xuất khẩu.
Đây là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng trong nước ưa chuộng các loại trái cây, rau củ ngon, chất lượng, lạ, an toàn thực phẩm. Do đó, để trái cây Việt tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập thì phải tự cải tiến chất lượng và đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm mà người tiêu dùng đang hướng đến.
Với tỷ lệ nhập khẩu rau củ, trái cây từ các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan,… như vừa qua, có thể cho thấy rằng, trái cây ngoại đang xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, theo khảo sát tại các hệ thống siêu thị MegaMarket, Lotte Market, Co-opmart, các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn… thì tỉ lệ trái cây nhập khẩu được người tiêu dùng lựa chọn vẫn đang chiếm tỷ lệ 1/4 so với số lượng trái cây sản xuất trong nước. Bởi vì, tùy theo từng loại sản phẩm và khả năng tài chính để người tiêu dùng hướng đến chọn loại nào.
Theo anh Đoàn Diệp Bình, đại diện Truyền thông Tập đoàn Lotte Việt Nam, hiện hệ thống siêu thị Lotte Việt Nam nhập các mặt hàng lê, táo, nho, kiwi nhưng với tỷ lệ rất ít. Các sản phẩm rau củ, trái cây trong nước như sơ ri, thanh long, bơ, xoài cát, sầu riêng, măng cụt… vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, vì giá cả hợp lý với túi tiền của đa số người tiêu dùng.
Với các mặt hàng trái cây nhập khẩu, chỉ phân khúc thị trường tiêu dùng khá, thu nhập cao mới ưu tiên chọn lựa vì họ không phải tính toán nhiều trong chi tiêu. Khi sản phẩm trái cây vào được hệ thống siêu thị của Tập đoàn Lotte, đều đã được trải qua các khâu kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng, nên phần còn lại chỉ là lựa chọn giá cả và độ tươi ngon.
Đối với mặt hàng trái cây, cách thức phân phối cũng tùy thuộc vào từng địa phương nhất định. Với hệ thống siêu thị tại các tỉnh, thì mặt hàng trái cây sản xuất trong nước đạt chất lượng cao vẫn chiếm 80%, các mặt hàng trái cây nhập khẩu chỉ chiếm 20% vì những nơi này, phân khúc người tiêu dùng bình dân vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn. Còn các loại trái cây nhập khẩu với giá cao, chiếm tỷ lệ 40% chỉ tập trung ở những thành phố lớn, phân khúc tiêu dùng cao cấp nhiều hơn mới dễ dàng lựa chọn, anh Bình nhấn mạnh thêm.
Không chỉ vậy, khi người tiêu dùng như nhà hàng, khách sạn, căng-tin… lựa chọn đặt hàng với số lượng nhiều thì trái cây Việt vẫn nằm trong danh sách đặt hàng trước tiên, còn với các sản phẩm trái cây nhập khẩu như táo, lê nho, kiwi từ Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand chỉ được đặt hàng với số lượng ít hơn.
Với hệ thống siêu thị MM Mega Market, hiện nay chỉ ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm trái cây từ thị trường khó tính như Mỹ, Australia, New Zealand. Với sản phẩm trái cây từ Thái Lan, hệ thống siêu thị chỉ mới nhập khẩu me khô, nhưng với số lượng không nhiều, đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market chia sẻ.
Việc rau củ, trái cây ngoại đang tiến vào thị trường Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hàng ngoại vào thị trường Việt Nam là xu thế tất yếu của hội nhập, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn trong chi tiêu của mình. Đồng thời cũng giúp các nhà sản xuất nhận ra xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Có thể nói rằng, tỉ lệ này đang tăng, nhưng trên thực tế, ngành rau củ quả của Việt Nam vẫn trên đà xuất siêu và đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận, 48,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, có thể chứng minh rằng, trái cây Việt Nam vẫn đạt chất lượng cao để xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thế giới.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, trái cây Việt Nam hiện đã đáp ứng được các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ tiêu chất lượng của các nước nhập khẩu “khó tính”. Điều này chứng minh rằng, người sản xuất trái cây trong nước cũng đã hiểu được yêu cầu của người tiêu dùng nước ngoài. Vậy nên đối với người tiêu dùng trong nước, ngành rau củ, trái cây càng dễ dàng đáp ứng yêu cầu hơn.
Ông Đạt cho rằng, trên thực tế, việc nhập khẩu các loại trái cây từ các nước đang tăng không phải là trở ngại lớn cho ngành rau củ quả trong nước mà đây chính là động lực giúp cho người sản xuất, các doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất tốt hơn trước đây, tuân thủ tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ hơn để làm ra sản phẩm chất lượng tốt, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ nước ngoài ngay trên sân nhà. Có như vậy, người tiêu dùng trong nước mới được đối xử công bằng với người tiêu dùng thế giới.
Điều đặc biệt quan trọng để ngành rau củ, trái cây trong nước đủ sức cạnh tranh và có động lực thúc đẩy phát triển, chính là người nông dân tham gia sản xuất phải có tinh thần học hỏi, cầu tiến, biết tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng để tạo ra sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn, không để xảy ra trường hợp vì “tình nghĩa” là người trong nước nên “giải cứu”, “hỗ trợ tiêu thụ” khi hàng hóa sẵn có mà không ai mua.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng có giải pháp để thông tin cho người sản xuất hiểu rõ giữa giá ảo do thương lái tung tin với giá thực tế của thị trường, mới có quyết định khôn ngoan trong sản xuất và tiêu thụ, liên kết doanh nghiệp thu mua thật hiệu quả, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang) chia sẻ.
Như vậy, mặc dù trái cây nhập khẩu về Việt Nam đang tăng dần so với những năm trước đây, nhưng vẫn chưa đủ sức để đánh bật thị hiếu tiêu dùng trong nước, mà đây chỉ là chất xúc tác để thúc đẩy ngành rau củ, trái cây trong nước phát triển, khi chất lượng trái cây trong nước vẫn đảm bảo và được nhiều hệ thống bán lẻ lựa chọn để phân phối.