BVR&MT – Nhằm tiếp cận và đón đầu ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, hiện TP.Cần Thơ đã và đang có nhiều hoạt động định hướng thiết thực, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ cho biết, hiện Thành phố đã triển khai “Quy hoạch phát triển thông tin và truyền thông thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến 2030” nhằm xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, với công nghệ hiện đại, an toàn, an ninh, kết nối với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Đây cũng là nền tảng để thực hiện dự án “Xây dựng chính quyền điện tử TP.Cần Thơ”, dự kiến hoàn thành năm 2020, sau đó tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Dự án này sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cấp cơ sở. Thành phố cũng đã ra Nghị quyết 10-NQ/TU về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025.
Cụ thể, Cần Thơ đã thực hiện đề tài ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, trước mắt đã xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp về hạ tầng kỹ thuật mà bước đầu là hạ tầng thoát nước. Với đề tài này, thông tin về hệ thống thoát nước ở Cần Thơ được tập hợp, cho phép những người quản lý và trực tiếp công tác trong lĩnh vực cấp thoát nước truy cập thông tin tổng quan lẫn cụ thể về từng cống ngầm, như thời gian thi công, đường kính, vật liệu, lưu lượng nước thoát qua…
Trên nền tảng này, Thành phố xây dựng hệ thống thông tin trong ngành giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường… Tất cả sẽ được tập hợp nhằm cung cấp thông tin nhanh, chính xác và góp phần hoạch định giải pháp phát triển toàn diện. Đồng thời hệ thống này kết nối với hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long- MGIS, nhằm tạo cơ sở đồng bộ dữ liệu từ quy mô sở ban ngành của thành phố, đến cấp vùng và quốc gia.
Cũng theo ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ, Thành phố đã và đang triển khai xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phục vụ tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, như kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Cần Thơ đến năm 2025”, chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP.Cần Thơ giai đoạn 2016-2020”. Những kế hoạch, chương trình tạo những bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghệ sinh học, sản xuất tiêu dùng…
Hiện TP.Cần Thơ đang có các mô hình nông nghiệp thông minh, có sự kết hợp công nghệ sinh học, kỹ thuật nông nghiệp, quản trị bán hàng… được kết nối và điều khiển bằng công nghệ thông tin, để kiểm soát điều kiện tự nhiên, đầu vào và đầu ra của sản phẩm.
Thành phố cũng đang ưu tiên hàng đầu là tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng, nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông; từ đó tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Đồng thời chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 để phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh.
Đồng thời tập trung đào tạo nhân lực về khoa học và công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoại ngữ, công nghệ thông tin… song song với tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo ông Trần Ngọc Nguyên Thành phố nên rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, bám sát công nghệ sản xuất mới, tích hợp và sạch. Tăng cường hội nhập quốc tế và kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ. Cùng với đó là lập Ban Chiến lược gồm các chuyên gia đầu đàn để đề xuất từng bước tiếp cận và cụ thể hóa cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, hoạch định từng phần việc phải làm và hiệu quả phải đạt được, cũng như phân công trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời đề xuất các bước huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, con người.