BVR&MT – Gasteranthus extincus, một loài hoa hoang dã Nam Mỹ vốn đã biến mất 40 năm, mới đây được các nhà sinh vật học tìm thấy dưới chân dãy Andes, trong những khoảnh rừng còn sót lại ở vùng Centinela của Ecuador.
Nạn phá rừng trên diện rộng ở miền tây Ecuador vào cuối thế kỷ 20 khiến các nhà khoa học cho rằng, một số loài thực vật đã tuyệt chủng, trong đó có loài hoa Gasteranthus extinctus.
Bất chấp các báo cáo về việc hơn 97% diện tích rừng ở nửa phía tây của quốc gia Nam Mỹ đã bị phá hủy hoặc chuyển đổi thành đất nông nghiệp, các nhà nghiên cứu bắt đầu công tác tìm kiếm vào mùa hè năm ngoái, thông qua các hình ảnh vệ tinh để xác định những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh còn nguyên vẹn.
Ông Nigel CA Pitman, một trong những nhà nghiên cứu phát hiện ra Gasteranthus extincus, cho biết: “Centinela là một địa phương thần bí đối với các nhà thực vật học nhiệt đới. Nhưng bởi vì nó đã được mô tả bởi những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực này, nên không ai thực sự đi kiểm tra lại thông tin, hay quay trở lại để xác nhận rừng nơi đây đã không còn và các loài bản địa đã tuyệt chủng”.
Theo các nhà khoa học, đặc điểm của loài hoa hoang dã nhiệt đới Gasteranthus extincus là những cánh hoa màu cam neon và túi lớn ở ngay bên dưới, nơi các loài côn trùng thụ phấn có thể ra vào.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được loài thực vật này trong vòng vài giờ đầu tiên tìm kiếm, chỉ sử dụng hình ảnh các tiêu bản thảo mộc khô, các đường vẽ phác họa và một bản tài liệu mô tả để tham khảo.
Để tránh không gây hại tới những loài thực vật quý hiếm còn lại, họ chụp ảnh và thu thập một số bông hoa đã rụng trước khi nhận được xác nhận danh tính của nó từ một chuyên gia phân loại học.
Hiện nhóm nghiên cứu đang làm việc với các nhà bảo tồn của Ecuador để bảo vệ một số khu vực rừng còn lại ở Centinela, nơi có các loài hoa sinh sống.
Dawson White, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Bảo tàng Field ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ cho biết: “Việc tìm thấy loài hoa này chỉ ra rằng, vẫn không quá muộn để xoay chuyển các tình huống thậm chí là tồi tệ nhất về đa dạng sinh học. Phát hiện cho thấy giá trị của công tác bảo tồn ngay cả những khu vực nhỏ nhất, bị suy thoái nhiều nhất. Chúng ta vẫn có thể cứu được nhiều loài đang trên bờ vực tuyệt chủng”.