BVR&MT – Ngày 25/4, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn khuyến nông nông nghiệp, với chủ đề “Liên kết chuỗi trong phát triển cà phê bền vững”.
Hơn 200 đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp và nhà nông sản xuất, kinh doanh cà-phê tại các tỉnh Tây Nguyên tham dự.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình sản xuất thành công, đồng thời tập trung phân tích và đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật trong sản xuất, tổ chức và quản lý trong mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cà-phê bền vững, như: cần có sự liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” để áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cà-phê, ổn định đầu ra sản phẩm; đẩy mạnh việc tái canh, ghép cải tạo; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung và thương hiệu, để nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng cà-phê; chú trọng sản xuất cà-phê theo tiêu chuẩn quốc tế…
Hiện, cả nước có hơn 645 nghìn ha cà-phê, năng suất đạt 24,5 tạ/ha, cao gần ba lần năng suất bình quân thế giới, sản lượng cà-phê nhân đạt gần 1,5 tỷ tấn. Năm 2016, khối lượng cà-phê xuất khẩu đạt 1.792 triệu tấn, tăng 33,6% so với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.354 triệu USD, là nông sản có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu nước ta năm 2016.
Tuy nhiên, ngành sản xuất cà-phê tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức, phát triển thiếu bền vững, như diện tích tăng nhanh vượt quy hoạch, canh tác thiếu bền vững và diện tích cà-phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao; quy mô sản xuất nhỏ, cà-phê nông hộ chiếm đến 89% tổng diện tích, trong đó 63% hộ có diện tích dưới 1 ha/hộ, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư; cơ cấu giống chưa hợp lý, diện tích cà-phê vối chiếm gần 93%; việc áp dụng tiến bộ khoa học chưa đồng đều, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm sức cạnh tranh thị trường thế giới…
Diễn đàn lần này đã đưa ra các giải pháp nhằm đạt mục tiêu, xây dựng ngành cà-phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nhà nông và doanh nghiệp; ổn định diện tích 600 nghìn ha, trong đó 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất bền vững; năng suất đạt 2,7 tấn/ha, sản lượng 1,6 triệu tấn/năm; giá trị sản lượng bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt đến 4,2 tỷ USD/năm.