BVR&MT – Mái trường tuổi thơ là kỷ niệm, là nơi nuôi dưỡng chúng ta thành người. Tuy nhiên, môi trường văn hóa trong giáo dục trẻ em vẫn là chủ đề tốn nhiều giấy mực với các quan điểm trái chiều trong bối cảnh đất nước đang thay đổi từng ngày. Môi trường giáo dục chính là nơi hình thành nhân cách con người, nuôi dưỡng tương lai, là nền tảng cho một xã hội tốt đẹp, bền vững.
Vô vàn kỷ niệm vui buồn khi các anh, chị cựu học sinh về thăm lại mái trường xưa. Trong đời người, những kỷ niệm thời thơ ấu được cắp sách tới trường, bên vòng tay cô giáo, bên bạn bè mãi mãi không thể nào quên trong mỗi chúng ta. “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, những trò nghịch ngợm, những tình cảm học trò trong sáng… là hình ảnh luôn gắn liền với tuổi thơ và theo chúng ta mãi. Đời người đẹp nhất khi còn cắp sách tới trường, vui tươi, hồn nhiên, tinh nghịch bên cạnh những mối lo bài vở, sợ hãi khi làm sai, hứa hẹn rồi lại quên,… Đó cũng chính là nền tảng xây dựng tình yêu quê hương, đất nước, cha mẹ, thầy cô và cũng làm nên con người.
Trường học là mái nhà chung, không chỉ cung cấp cho ta kiến thức mà còn giáo dục nhân cách cho mỗi người, trong đó thầy cô là cha mẹ thứ hai của chúng ta. Hẳn chúng ta còn nhớ mãi hình ảnh những thầy cô cần mẫn dạy dỗ chúng ta từng nét chữ, kể cho ta nghe từng câu chuyện, dặn dò ta từng bước đi. Nhiều và rất nhiều thầy cô luôn tâm huyết với nghề dẫu rằng cuộc sống của họ còn muôn vàn khó khăn, và khó khăn hơn gấp bội khi thầy cô không chỉ là tấm gương cho các con, mà còn là nơi bị những bậc “sinh thành” thời “quý tử” soi mói, đánh giá thậm chí lên án mà ít khi chịu nhìn nhận thật khách quan sự việc. Những thầy cô như vậy thật đáng quý biết bao, đánh trân trọng và nên được xã hội tôn vinh. Có biết bao bạn đã không cầm nổi nước mắt khi gặp lại cô giáo cũ, tuy ít người nói ra nhưng luôn để trong lòng.
Trong những “mái trường xưa” đó, có một mái trường – trường tiểu học Hồng Hà quận Bình Thạnh là một điển hình như thế. Bề ngoài, tuy nằm trong khu vực đông đúc, thường xuyên kẹt xe cạnh ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP. HCM nhưng khuôn viên trường vẫn yên tĩnh nhờ những hàng cây xanh che lấp, bảo vệ. Trường giản dị, sạch sẽ, sân trường rộng rãi là không gian vui chơi tốt, cổng trường giữ lại nét xưa với mái ngói đỏ thân thương một thời. Bên trong, ngôi trường hạnh phúc ở những giá trị mang lại từ bàn tay, khối óc và ấm cúng bởi tấm lòng của nhà trường và thầy cô dành cho các em nơi đây.
Là cha mẹ nhiều lần đến trường, tham gia vào việc học tập của con, đưa đón con, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, ánh mắt con trẻ mỗi khi được đến trường, lại chạnh lòng khi vẫn còn có em vì hoàn cảnh quá nghèo khó mà không được tới lớp. Nhìn các con vui chơi thoải mái, nhìn tình cảm các con dành cho thầy cô là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc không phải ở chỗ con học được quá nhiều kiến thức, mà thường là sáo rỗng hay quá tầm. Hạnh phúc vì các con được học làm người, được sống với tuổi thơ thực sự của mình để rồi sau này, không phải để làm ông nọ, bà kia mà làm người có ích, không phải để từ bỏ ước mơ theo đuổi đồng tiền, danh vọng mà là nuôi ước mơ, xây cuộc sống cho chính mình. Hạnh phúc của con cái chính là hạnh phúc của mỗi cha mẹ và của cả xã hội chúng ta.
Nói về thầy cô, về phương pháp giảng dạy mới, là người theo dõi bước chân các con từ năm đầu đến cuối cấp của lớp 5 hai, một trong những lớp được giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới kể từ lớp 1, chúng tôi mới cảm nhận được các khó khăn và sự cố gắng vượt bậc của các thầy cô nơi đây. Không còn cảnh “kỷ luật sắt”, không được đánh giá các em qua “bảng điểm”, không so sánh nhưng phải giữ được nhiệt huyết trong lớp, giữ được trật tự trong môi trường giáo dục, thấy được sự thăng tiến của chính mình trong từng em quả không dễ dàng chút nào. Sức ép từ môi trường, từ xã hội, từ cha mẹ và thậm chí không loại trừ cả từ “trên” xuống vì bệnh thành tích còn rớt lại thì chỉ có những tấm lòng thực sự vì trẻ thơ mới làm nổi. Chỉ cần con nói: “Con thích học ở đây!” là các bậc cha mẹ chúng tôi đã vui lắm rồi.
Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng về lớp 5 hai, khóa học 2018-2019 của trường do các phụ huynh ghi lại:
Tuấn Nguyễn