BVR&MT – Với sự nỗ lực vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, ngành công thương TP Hồ Chí Minh duy trì tỷ lệ đóng góp khu vực công nghiệp và thương nghiệp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ở mức 35,3%, gần bằng mức của năm 2019 (35,5%). Đây là tiền đề quan trọng để ngành công thương thành phố thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra trong năm nay.
Điểm sáng trong đại dịch
Ngay từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố. Kết quả hai đợt khảo sát trong tháng 4 và tháng 10-2020 của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho thấy: Đợt dịch 1 có 85,47% số DN, đợt dịch 2 có 82,63% số DN trên địa bàn thành phố chịu tác động tiêu cực. Trong đợt dịch lần thứ 2, khu vực ảnh hưởng nặng nhất là công nghiệp và xây dựng (tỷ lệ 83,17%), kế đến là khu vực dịch vụ (82,44%); tỷ lệ DN bị thu hẹp thị trường tiêu thụ trong nước là 68,38%, tỷ lệ DN gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp là 42,23%…
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho biết, trong bối cảnh chung của tình hình trong nước và thế giới, ngành công thương thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bám sát thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế ở mức cao nhất.
Thực tế cho thấy có nhiều điểm sáng mà ngành công thương thành phố đã đạt được trong một năm đầy biến động. Sản xuất công nghiệp không những không bị đứt gãy chuỗi sản xuất mà còn tiếp tục thu hút vốn đầu tư với tổng số DN đăng ký thành lập hoạt động trong năm 2020 tăng 14,7%, vốn đăng ký đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2019. Ngành bán lẻ, trong đó có sự tiếp sức của thương mại điện tử, đã trở thành “bệ đỡ” cho cả khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Ngành thương nghiệp bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng 25,2% nội bộ khu vực dịch vụ (tương ứng chiếm 15,7% GRDP thành phố), là ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất trong năm 2020 với 418 dự án, trị giá hơn 233 triệu USD vốn đăng ký cấp mới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 759.714 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 19% của cả nước.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN thành phố đạt gần 44 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2019, chiếm 15,6% cả nước. Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ lệ 78,5% trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tăng 2,4% so với năm 2019. Thị trường xuất khẩu đa dạng, có sự linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu vào khu vực châu Á tăng hơn 5%, trong khi kim ngạch xuất khẩu vào khu vực châu Âu giảm 0,5% so với năm 2019.
Nhìn ở bình diện chung, mặc dù các chỉ số công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tăng trưởng không bằng cùng kỳ năm 2019, nhưng sự phục hồi sản xuất, kinh doanh thể hiện rõ ở quy mô toàn ngành công nghiệp đến nay đã tăng 2,6% so với tháng 12 năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý sau tăng cao hơn quý trước, trong đó quý IV năm 2020 tăng 13% so với quý IV năm 2019.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Năm 2020, ngành công thương đã tham mưu thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu kép. Sở Công thương chủ động tổ chức nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ DN giữ vững thị trường hàng hóa trong điều kiện thu nhập của người dân giảm sút do dịch Covid-19. Trong đó, chú trọng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại mới như chương trình kích cầu tiêu dùng, phát động 60 ngày vàng khuyến mại, chương trình khuyến mại mùa vàng… đã hỗ trợ tích cực cho các DN tiêu thụ hàng hóa. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực; chương trình kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; các chương trình kết nối ngân hàng – DN, kết nối cung – cầu hàng hóa; kết nối công nghiệp hỗ trợ…
Năm 2021, ngành công thương thành phố đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu: Phấn đấu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành tăng 5%, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 6,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10% và kim ngạch nhập khẩu tăng 11% so với năm 2020. Đó là những chỉ tiêu khá cao trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp. Do vậy, cần sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN và từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong năm 2021, ngành công thương thành phố xác định năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng đến việc triển khai các chương trình tổng thể xúc tiến công thương, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ DN phát triển thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai ba chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành cơ khí – tự động hóa, cao-su – nhựa, chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2020 – 2030; Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển ngành thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đó là các chương trình chủ lực không chỉ trong năm 2021 mà còn là “đòn bẩy” cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thị Thắng đề nghị ngành công thương thành phố tiếp tục tăng cường công tác tiếp xúc, làm việc với các hội ngành nghề, DN để nắm bắt tình hình phát triển và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, từ đó đề xuất thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Phối hợp các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư vào bốn ngành công nghiệp trọng yếu và các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố. Cùng với đó, triển khai Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.