BVR&MT – Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Theo các chuyên gia, muốn phát triển kinh tế số, xã hội số thì hạ tầng số phải đi trước một bước.
Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động, chiếm 57,23% tổng số thuê bao di động và tăng hơn 4% so với năm 2020. Số lượng thuê bao internet băng rộng cố định năm 2021 cũng đã tăng 14,59% so năm trước, đạt 18,79 triệu thuê bao; tốc độ trung bình đạt của dịch vụ đạt 68 Mb/giây.
Năm 2030, 100% dân số được phủ sóng 5G
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới Việt Nam nói riêng cũng như toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, đại dịch cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn trên mọi ngành, lĩnh vực. Công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc.
Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, nếu hết năm 2021, Việt Nam có 18,79 triệu thuê bao internet băng rộng cố định thì con số này hiện là 19,6 triệu thuê bao. Tiêu dùng về dữ liệu băng rộng cố định cũng tăng 40% so trước đó. Điều này cho thấy, nhu cầu về băng rộng cố định cho việc học tập, làm việc tại nhà đang rất phát triển và ngành viễn thông cũng đáp ứng tốt yêu cầu này.
Đối với hạ tầng băng rộng di động, trong năm vừa qua, thực hiện chương trình “sóng và máy tính cho em”, chúng ta đã phủ được thêm gần 1.400 điểm “lõm sóng”, chủ yếu bằng mạng 4G. Triển khai Chương trình viễn thông công ích vừa được phê duyệt, trong năm 2022, hạ tầng băng rộng di động sẽ tiếp tục được ưu tiên triển khai đến các vùng sâu, vùng xa và các thôn, bản chưa được phủ sóng di động. Mặt khác, nhờ bổ sung băng tần 2,3 GHz cho các nhà mạng để phát triển hạ tầng 4G và cấp phép mạng 5G trong thời gian sắp tới, chắc chắn tốc độ băng rộng di động của Việt Nam sẽ được nâng lên, vùng phủ sóng cũng được cải thiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt ra mục tiêu vào năm 2025, 100% dân số sẽ được phủ sóng mạng 4G. Với mạng 5G, trong năm 2022 cần được bảo đảm sẽ được cung cấp với tốc độ hơn 100 Mbit/giây và được phủ sóng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu trường học, khu nghiên cứu hoặc ở các tỉnh, thành phố có nhu cầu tốc độ cao.
Tiến tới năm 2025, cơ bản phủ sóng 5G ở tất cả các địa phương lớn và đến năm 2030, 100% dân số sẽ được phủ sóng 5G. Để hoàn thành các mục tiêu thách thức này, theo ông Nhã trong thời gian tới cần huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển hạ tầng số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành chính sách cấp phép cũng như điều kiện về phủ sóng và sử dụng chung hạ tầng để nhanh chóng phổ cập dịch vụ tới mọi vùng miền.
Chuyển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số
Làm thế nào để phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng phù hợp với giai đoạn tăng tốc của chuyển đổi số sắp tới? Theo các chuyên gia, giải pháp cốt lõi là cần chuyển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số.
Giám đốc phụ trách Dịch vụ hạ tầng số của Tổng công ty Dịch vụ viễn thông-VNPT Vinaphone Trần Thành Kiên cho biết, hạ tầng viễn thông của Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của một hạ tầng kết nối số, trong đó có những định hướng phát triển nền tảng cho công nghệ 5G, thậm chí 6G. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hiện vẫn còn một số hạn chế về tốc độ, băng thông hay độ phủ. Thí dụ, độ phủ của hạ tầng viễn thông trong nước dù đã tương đối rộng, nhưng vẫn có những điểm bị nghẽn về băng thông làm cho kết nối không thông suốt.
Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp trong vấn đề định hình cơ chế phát triển băng thông, giúp các nhà mạng có thể đầu tư vào hạ tầng số hiệu quả hơn. Giám đốc Chiến lược và kế hoạch FPT Telecom Nguyễn Phú An cho rằng, để chuyển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số không cách nào khác phải đầu tư cho công nghệ.
Thực tế trong mảng cáp quang, FPT Telecom đã triển khai nhiều công nghệ thông minh, ảo hóa trên hạ tầng. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số của Mobifone Phạm Minh Tú nhấn mạnh, viễn thông và công nghệ thông tin đang ngày càng tiệm cận và việc đầu tư để nâng cấp hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thí dụ khi người dân chưa chuyển hết sang dùng điện thoại thông minh thì nhà mạng cũng không thể “tắt” hẳn 2G và 3G. Do đó, song song với việc doanh nghiệp đầu tư, cần nâng trình độ số lẫn thói quen tiêu dùng số của người dân, từ đó dần xóa bỏ ranh giới giữa viễn thông và công nghệ thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, hạ tầng viễn thông hôm nay với sự phát triển, hội tụ giữa viễn thông-công nghệ thông tin đã và đang chuyển mình thành hạ tầng số. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra mục tiêu, Việt Nam cần làm chủ hạ tầng băng thông rộng, trong đó có các thiết bị 5G cũng như công nghệ, nền tảng hạ tầng “Make in Việt Nam”.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chính phủ mục tiêu đưa Việt Nam lọt tốp 30 quốc gia có hạ tầng số phát triển trước năm 2025. “Đây là một nhiệm vụ thách thức và để thực hiện mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng trình Chính phủ Chiến lược phát triển hạ tầng số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung cho xây dựng hạ tầng số hiện đại, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu của Chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.