BVR&MT – Giá cước vận tải xe khách và taxi chắc chắn sẽ tăng để bù đắp chi phí khi tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu vừa được biểu quyết thông qua.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải cũng đang tính toán đến mức điều chỉnh giá cước vì còn phụ thuộc vào sự cạnh tranh giữa các loại hình và đơn vị vận tải, nhu cầu đi lại của hành khách.
Khách hàng phải chịu chi phí?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu với mức thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít). Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Liên quan đến vấn đề này, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải, thương mại và Dịch vụ Đất Cảng-đơn vị đang có nhiều xe khách chạy tuyến Hải Phòng-Hà Nội cho rằng, giá xăng dầu thời gian qua tăng liên tục, thế nhưng, doanh nghiệp vận tải vẫn “ghìm giá” cước và chịu thua lỗ. Nếu giờ tăng thêm thuế xăng dầu, chắc chắn sẽ tác động đến giá thành vận tải và đẩy gánh nặng chi phí về phía doanh nghiệp, người dân và hành khách.
“Đối với ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm từ 30-40% giá thành. Trong cơ cấu giá thành, nếu thuế đánh vào xăng dầu tăng 10% thì cước vận tải sẽ tăng 3-4%. Vận tải không như xăng dầu, giá xăng tăng nhưng chưa chắc cước vận tải ‘leo thang’ bởi doanh nghiệp còn tính toán đến mức chi trả của hành khách,” ông Hải nhìn nhận.
Theo ông Hải, hiện nay, vận tải đang có sự canh tranh lớn giữa các loại hình, nếu không giữ bình ổn giá cước thì người dân sẽ không đi xe khách, trong khi đang “nở rộ” các loại hình xe hợp đồng Limousine.
“Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu chẳng khác nào như một ‘cú tát’ vào mặt các doanh nghiệp vận tải đang chịu nhiều gánh nặng về chi phí bến bãi, phí BOT cầu đường cao, phí bảo trì đường bộ thu trên đầu xe,” ông Hải ví von.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, mức thuế đối với xăng dầu tăng thì mỗi lít xăng doanh nghiệp vận tải phải “móc hầu bao” chi thêm 1.000 đồng. Con số này tưởng chừng nhỏ, song cộng dồn vào cả năm sẽ dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng khá lớn.
“Các loại vật giá đều tăng theo giá xăng dầu… Khi chi phí đầu vào tăng, buộc doanh nghiệp phải tăng giá đầu ra như giá cước vận tải và người dân phải chịu chi phí này cuối cùng,” ông Liên nói.
Chưa kể, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận định, việc tăng thuế xăng dầu cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đàm phán tăng cước với khách hàng. Thông thường khi xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải luôn phải đàm phán với khách hàng để tăng cước. Tuy nhiên, có những hợp đồng đã ký trước đó và kéo dài hàng năm thì doanh nghiệp phải chấp nhận đến khi kết thúc hợp đồng mới được điều chỉnh.
Tăng thuế là bất khả kháng?
Đánh giá việc tăng thuế xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít là nằm trong lộ trình nhiều năm vừa qua, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, tăng thuế xăng dầu đương nhiên ảnh hưởng giá thành, giá cước tăng lên. Tuy nhiên, theo ông, việc tăng cước sẽ có độ trễ nhất định, không phải tăng giá nhiên liệu lên là tăng cước được ngay.
“Theo tính toán, khi giá nhiên liệu tăng 10% thì mới phải điều chỉnh giá cước, hiện mức tăng thuế xăng chỉ là 1.000 đồng/lít, tức là mới 5%, sẽ chưa ảnh hưởng ngay, nhưng có thể dần dần tích tiểu thành đại,” ông Thanh phân tích.
Tuy nhiên, theo ông, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam sẽ khuyến cáo doanh nghiệp tính toán giảm chi phí không cần thiết, có thể chủ động đề ra các phương án giải quyết bài toàn cân đối thu-chi.
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, tất cả các sản phầm, dịch vụ từ gạo, gia cầm, dệt may,… đa phần phải vận chuyển bằng vận tải nên tăng giá xăng sẽ làm tăng chi phí, giá thành.
Trả lời câu hỏi vì sao cơ quan chức năng chọn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu trong khi đây là vấn đề tác động lớn tới người dân, ông Doanh thừa nhận vì đây là khoản thu dễ nhất.
“Vấn đề là tiền thuế thu được từ việc tăng thuế này là để bảo vệ môi trường hay chi những khoản gì, đề nghị làm rõ,” ông Doanh kiến nghị.
Bày tỏ quan điểm không bất ngờ về việc tăng thuế xăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu là bất khả kháng.
“Việc tăng thuế xăng, dầu đánh vào túi tiền doanh nghiệp, người tiêu dùng khi giá cả hàng hóa tăng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải cân nhắc có giải pháp giảm tác động với tầng lớp thu nhập quá thấp, sống bằng xăng, dầu,” ông Hồ nói.
Ông cũng bày tỏ việc đã nghe một số ý kiến đặt ra câu hỏi liệu thu thuế bảo vệ môi trường liệu có được dùng cho môi trường không. Tuy nhiên, ông cho rằng, các khoản chi không thể tập trung hoàn toàn cho môi trường được.
Ông dẫn quy định hiện tại cho thấy, thu từ thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là một trong các khoản phải hòa chung vào tổng thu. Với chi, đây là quá trình phân bổ đã được quy định với các khoản khác nhau. Vì thế theo ông, có thể các khoản chi chỉ liên quan một phần tới môi trường.