BVR&MT – Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 713 sản phẩm, chiếm 5% so với tổng số sản phẩm phân bón. Còn lại gần 94% là phân bón vô cơ, trong khi phân bón vô cơ ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm khi sử dụng.
Ngày 9/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Phát triển phân bón hữu cơ”.
Theo thống kê, trong số các sản phẩm phân bón có tới 93,7% là phân bón vô cơ và 1,3% là phân bón sinh học. Như vậy, số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước thuộc loại phân bón vô cơ đã gấp hơn 19 lần số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, phân bón hữu cơ có nhiều đặc tính tốt cho cây trồng và hệ sinh thái đất. Trong đó, phân bón hữu cơ giúp cải thiện tính chất vật lý của đất và tăng tỷ lệ cấu trúc của đất; chống rửa trôi xói mòn, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển. Chất hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ màu mỡ đất, tránh ô nhiễm trong khai thác nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và bảo vệ môi trường lâu bền.
Do thiếu các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ tại Việt Nam đã dẫn tới sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và vô cơ. Tháng 9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Lần đầu tiên, các quy định về khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ đã được đưa vào một nghị định. Những quy định tại Nghị định 108/NĐ-CP đã bước đầu xác định sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ là nội dung quan trọng để phát triển một nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Tuy nhiên, hiện hệ thống tiêu chuẩn về phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chưa có quy chuẩn kỹ thuật nào trong lĩnh vực phân bón được xây dựng.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục đã tiến hành rà soát và xây dựng kế hoạch xây dựng các tiêu chuẩn; trong đó, đặc biệt quan tâm, ưu tiên đến nhóm chỉ tiêu của phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh… Mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thiện cơ bản các tiêu chuẩn về phương pháp thử để kiểm tra chất lượng phân bón.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng phân bón trong đó có các quy định cụ thể về chất lượng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh. Dự kiến sẽ trình ban hành trong tháng 5/2018.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, chúng ta có nhiều thuận lợi, riêng phế phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn, bên cạnh đó chúng ta có phân bùn rất giá trị để sản xuất chế biến phân bón hữu cơ. Đây là những cơ sở hết sức thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. “Kể cả yêu cầu trong nước và thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch hữu cơ, chúng ta hoàn toàn có đủ nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ, đấy là những điều căn cốt để chúng ta phát triển ngành này”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Để phát triển phân bón hữu cơ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ, trong dự thảo Luật Trồng trọt cũng có một phần quan trọng đề cập đến phân bón hữu cơ. Do đó, việc tập trung phát triển sử dụng phân bón hữu cơ đang là một xu hướng tất yếu, đã đến lúc cần tập trung ở 3 khu vực: Nhóm giải pháp của Chính phủ, hành động quyết liệt của doanh nghiệp, sự ủng hộ vào cuộc của người dân ở cả mảng tiêu dùng sản phẩm và ứng dụng đưa vào sản xuất; đẩy mạnh công tác truyền thông để định hướng phát triển.