BVR&MT – Thu gom, tái chế phế liệu là một trong những nghề kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, nếu không biết cách làm việc khoa học thì “lợi bất cập hại”, như trường hợp của thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. HN). Làng thu gom, tái chế rác thải nhựa thôn Xà Cầu đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ngay từ cổng thôn Xà Cầu đi vào, dọc hai bên đường, đâu đâu cũng là rác. Từng bao tải phế liệu được chất cao, trải dài khiến việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ sáng sớm, người dân thôn Xà Cầu đã tất bật với việc phân loại phế liệu. Trước đó, vào mỗi buổi tối, người dân sẽ đi gom phế liệu từ trung tâm Hà Nội. Phế liệu sau khi tập kết về Xà Cầu sẽ được phân loại kỹ càng rồi chuyển vào máy nghiền để tạo thành hạt nhựa.
Chị Hoa (36 tuổi) – công nhân của một xưởng tái chế rác thải nhựa có quy mô lớn ở thôn Xà Cầu tâm sự với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.vn: “Tôi làm nghề này được hai năm rồi. Buổi sáng làm từ 6h30 đến 11h. Buổi chiều làm từ 1h30 đến 5h30. Trong lúc làm việc, tôi phải đeo khẩu trang, mang găng tay và ủng để bảo vệ sức khỏe”.
Nghề thu gom, tái chế rác thải nhựa khá vất vả, chưa kể phải tiếp xúc với nhiều hóa chất còn đọng lại trong rác thải, tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe nhưng hiện tại, chị Hoa vẫn cảm thấy hài lòng với công việc này. Bởi mức lương 200.000 đồng/ngày có thể giúp chị trang trải cuộc sống, giảm nỗi lo cơm áo trong thời “bão giá”.
Qua câu chuyện của chị Hoa, có một thực tế chua xót không thể không nhắc tới: “Thu nhập của người dân tăng lên, chất lượng môi trường sống giảm xuống”. Song song với sự phát triển kinh tế là vấn nạn ô nhiễm môi trường đe doạ tới cuộc sống của người dân thôn Xà Cầu. Đó không chỉ là tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bao tải phế liệu chất cao như “tường thành”, mà còn là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ các máy ép nhựa hoạt động như “tra tấn” lỗ tai người nghe.
Cô Nguyễn Thị Hợp (65 tuổi) – người có “thâm niên” trong nghề thu gom, tái chế rác thải nhựa ở thôn Xà Cầu cho biết: “Cả làng làm nghề này nên tôi phải theo. Có ô nhiễm môi trường thì mình cũng phải chịu chứ biết làm thế nào”. Dứt lời, cô Hợp chỉ tay về phía xa, thở dài chán nản: “Kia kìa, lúc nào cũng 5, 7 tảng rác thải. Một ngày mấy tảng rác to vứt đi. Toàn lôi cái bẩn, cái thỉu về làng”.
Làng thu gom, tái chế rác thải nhựa thôn Xà Cầu đang gây nhiều hệ lụy xấu cho môi trường, kéo theo đó là nỗi lo về sức khỏe của người dân. Đáng nói, vấn nạn trên đã tồn tại qua nhiều năm, báo chí đã lên tiếng phản ánh nhiều lần nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết.
Trà Giang – Hồng Nhung