BVR&MT – Trong cuốn “Dòng sông thời gian”, Jon Swain gợi lên vẻ đẹp say lòng của vùng Đông Dương và ĐBSCL mênh mông ở cực nam Việt Nam – nơi dòng sông hòa mình vào biển Đông.
Cốt truyện xoay vần trong bối cảnh rừng nhiệt đới và sông Mê Kông huyền thoại, nơi mà vùng ngập lũ có diện tích lớn hơn nước Bỉ. Swain viết rằng “một số con sông quá tĩnh lặng, quá tự mãn hoặc quá bất động đến mức khiến lòng người thờ ơ. Mê Kông không như thế. Chứng kiến dòng nước cuộn trào và tung bọt trắng xóa khi vượt thác Khone vào mùa mưa mới thấy hết năng lượng tuyệt vời của dòng sông Mẹ”.
Nhưng huyền thoại đang nhạt nhòa thật nhanh. Hạn hán, biến đổi khí hậu và những con đập khổng lồ được xây dựng đang đe dọa đến hệ thống sông chảy qua 5 nước và nuôi sống 70 triệu người.
Hai năm liên tục, mực nước Mê Kông thấp kỷ lục, giảm tới 2/3 xuống chỉ còn là con lạch nhỏ trong khi sắp đón đỉnh lũ. Lượng mưa 3 tháng mùa mưa hiện giảm khoảng 70%.
Nơi con sông chảy vào biển, ít nhất 2 trong số 12 dòng nhánh không có nước. Nước mặn xâm nhập sâu hơn vào lục địa, đe dọa 850 loài cá nguy cấp. Ngư dân ca thán rằng lượng đánh bắt hàng ngày giảm xuống còn 1-2 kg, chỉ đủ làm thức ăn cho mèo.
Đó là vấn đề chưa từng có do chính con người gây ra, khi Đông Nam Á chọn cách đón nhận hàng tỷ đô la từ Bắc Kinh rót vào thủy điện với nguồn lợi nhuận chỉ mang lại cho một nhóm nhỏ. Theo Trung tâm Stimson (Mỹ), một chuỗi đập ở Trung Quốc và Lào đang trong giai đoạn xây dựng, khi hoàn thành sẽ gồm tới 400 con đập.
Thang cá được xây dựng để giúp cá di cư đến được nơi đẻ trứng ở thượng nguồn nhưng rất ít bằng chứng cho thấy giải pháp này hiệu quả. Một báo cáo của tổ chức Eyes on Earth mới đây đã cáo buộc Trung Quốc trữ nước nhưng Bắc Kinh phủ nhận.
Trong lúc đó, biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tác động từ Lưỡng cực Ấn Độ Dương – hiện tượng thời tiết tương tự El Nino xảy ra ở Thái Dình Dương, có nghĩa là nhiệt độ bề mặt biển mát hơn bất thường so với trung bình ở nửa phía đông của Ấn Độ Dương và nước ấm hơn ở nửa phía tây Ấn Độ Dương – hệ quả là sẽ gây ra lũ lụt ở Tây Phi và hạn hán ở Đông Nam Á. Trong lịch sử, hiện tượng này xảy ra rung bình 17,3 năm/lần nhưng các nhà khoa học dự báo tần suất sẽ tăng lên còn 6,3 năm/lần do phát thải carbon và năng lượng dư thừa trong bầu khí quyển.
Thông thường vào thời gian này trong năm, mặt hồ Tonle Sap ở Campuchia sẽ mở rộng do nước lũ dâng, sau đó chảy ngược về sông Mê Kông, gắn kết niềm tin của người Khmer về mùa màng thịnh vượng.
Lần đầu tiên điều đó không xảy ra khiến Ủy hội sông Mê Kông (MRC) lên tiếng, dự báo rằng “hạn hán nghiêm trọng” đang phủ khắp miền bắc Campuchia, Nam Lào và miền Trung Việt Nam, đồng thời mô tả tình trạng của Tonle Sap là “cực kỳ nguy cấp” khi mực nước ở hạ nguồn Mê Kông dưới cả mực nước thấp nhất ghi nhận vào các năm 1960 và 2019.
“Lưu lượng nước thấp như hiện nay tác động nghiêm trọng đến Campuchia, có thể gây thiệt hại về thủy lợi và ngư nghiệp. Đã đến lúc phải hành động vì lợi ích chung của cả lưu vực hạ Mê Kông cũng như các cộng đồng chịu ảnh hưởng”, CEO Ban thư ký MRC An Pich Hatda kêu gọi. Điều này cũng có nghĩa là phải tính toán lại một cách tổng thể về cách người dân sinh sống, họ ăn gì và nơi nào họ gọi là nhà. Lưỡng cực Ấn Độ Dương sẽ thay đổi và chắc chắn lũ lụt sẽ xảy ra, tình hình còn tệ hơn do trữ nước và buộc các con đập thượng nguồn phải xả nước. Dù các chính trị gia thích hay không thì sông Mê Kông hỗn độn như hiện nay cũng có phần trách nhiệm của họ.
Cuốn hồi ký của Swain sắp được dựng thành phim và câu thoại yêu thích của chính tác giả là: “Tôi chưa bao giờ có thể đứng trên bờ sông cao vợi rồi nhìn xuống dòng nước chảy cuồn cuộn mà không khỏi thôi thúc mình đi qua khúc sông tiếp theo để khám phá những điều kỳ diệu ẩn chứa trong chính dòng sông này”.
Nếu các nhà sản xuất phim muốn quay ở địa điểm họ muốn thì hãy nhanh chân lên. Thời gian đang cạn rồi.
Nhật Anh (Theo The Article)