BVR&MT – Bộ TN-MT cùng với các tỉnh, thành phố sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn thải lớn.
Theo Bộ TN -MT, trong năm 2017, ngành tài nguyên và môi trường sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim, giấy, bột giấy, tinh bột sắn, cao su, mía đường, thuộc da, nhiệt điện…
Theo đó, Bộ TN-MT cùng với các tỉnh, thành phố sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200 m3/ngày đêm trở lên, trừ các đối tượng đã được Bộ TN -MT thanh tra trong năm 2016.
Với lĩnh vực đất đai, ngành tài nguyên và môi trường sẽ thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp, trọng tâm là các thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp sổ đỏ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Trong lĩnh vực địa chất khoáng sản, ngành tài nguyên và môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong công tác quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Riêng với lĩnh vực tài nguyên nước, ngành sẽ thanh tra công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước của một số tổ chức, cá nhân; thanh tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết, trong năm 2016, vấn đề môi trường ở nhiều nơi, nhiều thời điểm gây bức xúc dư luận, sức chịu tải của môi trường ở một số nơi đã vượt ngưỡng.
Trong bối cảnh đất nước tái cấu trúc kinh tế theo hướng phát triển bền vững, việc kiểm soát tốt các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là bắt buộc: “Sắp tới, từ trung ương đến địa phương và tất cả các bộ, ngành sẽ tiến hành rà soát, thống kê, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu để kiểm soát thật tốt các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Chúng tôi quyết tâm trong khoảng 2-3 năm, tất cả các lĩnh vực, ngành, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp đang có tiềm năng gây ô nhiễm sẽ có lộ trình khắc phục. Bộ sẽ quyết tâm giám sát công việc này”.