BVR&MT – Qua việc đánh bẫy ảnh trong rừng đặc dụng, lực lượng chức năng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) đã phát hiện giống gà quý hiếm thuộc sách đỏ của Việt Nam và quốc tế. Hiện tại, đơn vị đang triển khai dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài gà nguy cấp, quý hiếm thuộc họ trĩ này.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) đang triển khai dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài gà nguy cấp, quý hiếm thuộc họ trĩ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu”, nhằm tìm giải pháp bảo tồn giống gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng quý được phát hiện tại khu bảo tồn này.
Được biết, giống “gà sách đỏ” này đã được lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) phát hiện qua việc đánh bẫy ảnh trong rừng đặc dụng.
Sau nhiều năm điều tra, đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 5 cá thể gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng tại tiểu khu 56 thuộc rừng đặc dụng Pù Hu. Hiện đơn vị này cũng đã nuôi thử nghiệm được 100 cá thể gà lôi trắng trong khu bảo tồn với mục đích bảo tồn loài gà quý này.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tại Việt Nam, bộ gà có duy nhất một họ Trĩ (Phasianidae) với 20 loài. Các loài trong bộ gà có kích thước khác nhau. Trong số 20 loài gà hiện có 11 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và 7 loài có tên trong Sách Đỏ thế giới.
Gà tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum) được coi là loài quý hiếm nhất trong các loài gà được ghi nhận tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Loài này đã có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và quốc tế (Danh lục Đỏ IUCN). Tại Thanh Hóa, gà tiền mặt vàng đã xuất hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tuy nhiên loài này chỉ xuất hiện ở khu vực xa khu dân cư với số lượng từ 3-4 cá thể/đàn.
Gà lôi trắng có tên khoa học Lophura nycthemera là một loài chim lớn, có chiều dài khoảng 125 cm. Khi còn nhỏ gà trống và gà mái đều mang chung 1 màu lông, đó là màu nâu ngoài ra có những dải lông màu đen. Chim mái giữ nguyên màu lông này (có thay đổi không đáng kể suốt cuộc đời mình (thường chuyển sang màu oliu). Chim Trống đến tuổi thành niên sẽ bắt đầu thay lông để chuyển sang màu trắng.
Thông thường phải mất gần 2 năm tuổi, gà lôi trống mới thành thục hẳn lúc đó mào có màu đen dài, cằm và họng đen, bụng hơi xanh đen, (hoặc trắng – giống gà tìm thấy tại Việt Nam). Phần còn lại của cơ thể là màu trắng, đuôi của gà trống khá dài (từ 40 – 80 cm), mặt có màu đỏ nhung với 2 dải mào phủ kìn, chân gà có màu đỏ tía. Gà lôi trắng sống ở các khu vực rừng miền núi ở lục địa Đông Nam Á và Trung Quốc.
Gà lôi trắng sống định cư ở rừng thưa đặc biệt thích sống ở rừng gỗ thưa pha tre nứa dọc theo khe suối. Gà lôi trắng sống thành từng đàn nhỏ 5-10 cá thể, ít thấy đi đơn độc hoặc đi đôi. Trọng lượng con trống khoảng 1,6-2 kg, con mái 1-1,4 kg. Chúng hoạt động hầu như suốt cả ngày, buổi trưa thường nghỉ ở cây bụi rậm kín đáo. Gà đẻ từ 4-7 trứng/lứa, trứng đẻ trong tổ làm rất sơ sài được lót bằng lá khô hay cỏ khô, thời gian ấp trứng 24 ngày. Gà con mới nở cứng cáp, sau khoảng 10-11 tháng gà con có bộ lông giống như gà trưởng thành. Một số cá thể gà lôi trắng thường có những thay đổi nhất định về ngoại hình theo điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng miền. Căn cứ vào đó có những tên gọi khác nhau cho gà lôi trắng. Hiện nay trên thế giới có 15 phân loài cơ bản với môi trường sống đa dạng : Đồng cỏ, đồi núi, rừng thưa …
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu được thành lập năm 1999 với diện tích 23.249,45 ha(thuộc địa phận các huyện Quan Hóa và Mường Lát). Pù Hu đóng vai trò quan trọng đối với việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã. Pù Hu là sự kết hợp giữa hệ sinh thái núi đá vôi với hệ sinh thái núi đất và hệ sinh thái rừng độc đáo, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Pù Hu có 2 kiểu rừng chính. Rừng thường xanh đất thấp và kiểu rừng thường xanh núi thấp .
Theo thông tin được thu thập từ các đợt khảo sát thực địa ở tỉnh Thanh Hoá năm 1997. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã được ghi nhận 508 loài thực vật và 266 loài động vật. Rừng Pù Hu có nhiều loại cây gỗ quý như kim giao, lát hoa, sến mật, trầm hương, trường mật, song mật…, qua điều tra sơ bộ có 28 loài quý hiếm được xếp trong sách đỏ Việt Nam. Trong số các loài động vật ở Pù Hu, có tới hơn 30 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Một số loài thú có giá trị bảo tồn như gấu ngựa, gấu chó, bò tót, voọc quần đùi trắng… |
Thực hiện: Thức Bá