BVR&MT – Thanh Hóa có đội tàu khai thác thủy sản lớn; trong đó, số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác vùng khơi là 1.168 chiếc, đứng thứ 10 cả nước.
Lắp đặt và duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là một trong những nội dung quan trọng trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cao của cả nước.
Là địa phương có số lượng tàu cá lớn ở Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc có 264 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Thời gian qua, bên cạnh các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, công tác tuyên truyền, vận động bà con ngư dân trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ở Hậu Lộc đã cho kết quả tích cực.
Hiện, toàn huyện có 256 tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn 8 tàu cá nằm bờ, chủ tàu đã viết bản cam kết không khai thác hải sản trên biển.
Thường xuyên khai thác, đánh bắt tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ, ngư dân Đinh Văn Tiếp (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) là một trong những chủ tàu tiên phong trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ở huyện ven biển Hậu Lộc.
Anh Tiếp đã bỏ ra hơn 15 triệu đồng để mua thiết bị lắp đặt trên tàu của mình. Trước mỗi chuyến vươn khơi, ông Tiếp lại đến Ban quản lý cảng cá Hòa Lộc để kiểm tra các điều kiện cần thiết như thiết bị giám sát, giấy đăng kiểm, giấy phép khai thác…
Ngư dân Đinh Văn Tiếp (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) chủ tàu TH-93686-TS chia sẻ: “Trong hành trình khai thác, tôi và các thuyền viên luôn xác định nếu mình vi phạm sẽ bị xử phạt, mà xử phạt thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm, manh áo của gia đình nên tốt nhất là tuân thủ chấp hành các quy định. Ban đầu do chưa quen nên các thao tác còn chậm, còn thiếu, nhưng dần dần mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, việc ghi nhật ký với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm khai thác, sản lượng cụ thể từng chủng loại thác… cũng đã thành thói quen nên việc tàu ra – vào đều rất thuận lợi, nhanh chóng.”
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc khẳng định: “Có thể thấy, từ khi triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tình trạng ngư dân vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề trên biển ở huyện Hậu Lộc đã giảm rõ rệt.
Không chỉ vậy, việc lắp đặt thiết bị hành trình còn giúp cho ngư dân và phương tiện có được kênh thông tin, tránh được những rủi ro trong quá trình hành nghề.
Khó khăn lớn nhất hiện tại là vẫn còn một số chủ tàu/thuyền trưởng chưa thực hiện việc kích hoạt thiết bị giám sát hành trình trước khi đi khai thác hoặc không duy trì thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền và có chế tài xử lý các trường hợp cụ thể.”
Theo rà soát của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, địa phương này có đội tàu khai thác thủy sản lớn; trong đó, số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác vùng khơi là 1.168 chiếc, đứng thứ 10 cả nước. Đây là những tàu cá bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình khi tham gia khai thác thủy sản trên biển theo quy định của Luật Thủy sản 2017.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá được xem là giải pháp căn cơ nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, Chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương ven biển phổ biến, vận động ngư dân sớm triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m.
Để khuyến khích ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá chuyên vươn khơi xa, năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/thiết bị và phí thuê bao dịch vụ (không quá 300 nghìn đồng/tháng) cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, đến đầu tháng 7/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 1.119/1.168 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ 95,8% tàu cá vùng khơi.
Còn lại 49 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát; trong đó, có 37 tàu cá nằm bờ không tham gia khai thác, 12 tàu cá là tàu mới mua từ tỉnh ngoài về đang làm thủ tục chuyển vùng thiết bị hoặc lắp đặt máy mới.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Thanh Hóa khẳng định, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát, xác thực thông tin tàu cá từ 15 m trở lên chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để làm rõ hiện trạng tàu cá có hoạt động hoặc không hoạt động từ đó phân loại quản lý, đồng thời yêu cầu hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá và các cảng cá trong việc sử dụng hệ thống giám sát tàu cá cho việc kiểm tra xuất, nhập cảng, truy xuất nguồn gốc. Với những tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục giấy tờ, các lực lượng chức năng sẽ kiên quyết không cho ra khơi,” ông Nguyễn Đức Cường cho hay.
Cũng theo ông Cường, việc vẫn còn 49 tàu cá của ngư dân chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của tỉnh.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tàu cá hoạt động không hiệu quả bởi nguồn lợi thủy sản suy giảm, chi phí chuyến biển tăng, tàu cá thua lỗ nên nằm bờ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương ven biển quyết liệt hơn trong triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá chưa lắp đặt.
Bên cạnh những hiệu quả tích cực từ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều thiết bị giám sát trên tàu cá tại Thanh Hóa đã xuất hiện hư hỏng, trục trặc; bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp dịch vụ của một số đơn vị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn rất chậm.
Ngoài ra, việc khai báo thông tin tàu cá, mã kẹp chì, ảnh chụp cho cơ quan quản lý nhà nước sau khi lắp đặt, thay thế thiết bị vẫn chưa được thực hiện đúng theo quy định, rất cần sự vào cuộc của các bên liên quan để ngư dân Thanh Hóa yên tâm vươn khơi, bám biển, vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.