BVR&MT – Xưa kia, Sâm Báo từng được mệnh danh là “Đại Việt đệ nhất danh Sâm”. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, cây Sâm Báo bị mai một. Tuy nhiên với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. Đến nay, huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng đề án Bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây Sâm Báo trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030. Đưa cây Sâm Báo trở thành sản phẩm chủ lực của huyện.
Sản vật “tiến vua”
Theo sử sách, từ thế kỷ X, cây Sâm Báo đã được Nhân dân vùng Vĩnh Ninh, thuộc Ái Châu (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay) dùng như dược liệu quý hiếm, làm nước uống, thuốc chữa bệnh, thức ăn bổ dưỡng, thanh mát giải nhiệt và là sản vật dùng để cung tiến vua, chúa. Vào thời nhà Hồ Sâm Báo được biết đến rộng rãi hơn. Trước kia cây sâm mọc hoang trên núi Báo nên được gọi là sâm Báo.
Sâm Báo từng là sản vật dùng để tiến Vua.
Tương truyền, khi dựng thành Tây Đô nhiều đoạn xây lên lại đổ, tiến độ vô cùng chậm chạp. Sốt ruột, Hồ Quý Ly đích thân đi khảo sát, nắm bắt tình hình. Trong một lần đi khảo sát việc xây thành, ông chứng kiến một nhóm thợ làm việc ngày đêm không biết mệt mỏi. Đoạn thành do họ phụ trách cũng xây nhanh và chắc chắn hơn cả. Hồ Quý Ly tỏ ra nghi ngờ. Đích thân ông tra hỏi và được biết nhóm thợ này người làng Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Ninh, thuộc trấn Thanh Đô. Họ có sức khỏe cường tráng là do dùng một thức uống trong lúc mệt mỏi vừa giải khát, vừa tăng cường thể lực từ loại củ trên núi Báo.
Ông liền sai ngự y trong triều xem xét kỹ lưỡng thứ nước uống và công dụng có đúng hay không? Sau nhiều ngày tra cứu ông mới tin tưởng và thành lập một nhóm chuyên đi săn tìm loài cây sâm quý; đồng thời ban lệnh cấm người dân sử dụng, nhằm thu lượm cây sâm phục vụ cho công cuộc xây dựng thành.
Từ đó cây sâm mọc trên núi Báo được coi là sản vật quý hiếm, là phần thưởng cho quan lại, lính tráng, thợ xây thành… có công trạng lớn. Sức khỏe của thợ được đảm bảo một phần nhờ cây sâm quý, thúc đẩy việc xây thành Tây Đô, rút ngắn thời gian xây dựng, chỉ mất 3 tháng để hoàn thành.
Theo cổ thư “Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo viết: “Nước Nam có nhiều Sâm, chỉ có Sâm đất Biện Thượng công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân Sâm ở núi Báo nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”…
Sách “Đồng Khánh địa dư chí” do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn năm 1886 cũng đã nói về tác dụng của cây Sâm Báo như sau: “Ở núi Đa Bút và Biện Thượng có loại sâm, tục gọi là Sâm Báo, chất nhỏ mà trắng, vị đắng, tính mát, có thể giải nhiệt”.
Sản phẩm chủ lực, phát triển kinh tế
Vốn là loại dược liệu quý mọc hoang, rải rác trên các núi đá thuộc xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), có nhiều công dụng trong chữa bệnh và làm thực phẩm bồi bổ sức khỏe, như: trị ho, sốt nóng, phổi yếu, hỗ trợ điều trị mất ngủ, kém ăn, suy nhược cơ thể, những bệnh nhân mới ốm dậy… Trải qua nhiều biến cố lịch sử, cây Sâm Báo dần bị mai một, thất truyền.
Những năm qua, UBND huyện Vĩnh Lộc đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phục hồi, mở rộng diện tích, bảo tồn và phát triển nguồn gen Sâm Báo bản địa của xã Vĩnh Hùng nói riêng và của huyện Vĩnh Lộc nói chung, nâng cao giá trị kinh tế của cây Sâm Báo lên so với hiện nay, đa dạng hoá sản với thương hiệu sản phẩm “Sâm Báo Vĩnh Lộc” gắn với phát triển du lịch Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ, Danh lam thắng cảnh núi Kim Sơn, Di tích Quốc gia Phủ Trịnh… và du lịch cộng đồng.
Mới đây, UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành Quyết định số 2339/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây Sâm Báo trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030. Từng bước đưa cây sâm báo trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương.
Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025 xây dựng thành công 2ha vườn cây đầu dòng Sâm Báo hoa vàng (tại xã Vĩnh Hùng) để bảo tồn nguồn gen bản địa, đồng thời đề nghị Sở NN và PTNN tỉnh Thanh Hoá công nhận nguồn gốc cây Sâm Báo hoa vàng để gieo trồng và nhân giống, cung cấp giống nhân rộng diện tích trông Sâm Báo của huyện. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn việc đưa các giống sâm bên ngoài vào khu vực bảo tồn và phát triển Sâm Báo trên địa bàn huyện. Hình thành, phát triển các cơ sở chế biến Sâm Báo tập chung, sản phẩm Sâm Báo được đưa vào thị trường tiêu thụ và khẳng định được giá trị kinh tế, xã hội trong nước. Giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn ở địa phương, giữ vững ổn định chính trị – xã hội địa phương, đảm bảo môi trường sinh thái.
Đến năm 2030, duy trì nguồn gen bản địa tại núi Báo xã Vĩnh Hùng và phát triển diện tích trồng Sâm Báo toàn huyện đạt khoảng 250 ha. Đồng thời đưa sản phẩm Sâm Báo ra được thị trường nước ngoài.
Ông Trịnh Việt Cường – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lộc cho biết: “Sau khi dự án phát triển cây Sâm Báo ở xã Vĩnh Hùng được tỉnh phê duyệt mang lại giá trị kinh tế cho người dân trong xã. Nhận thấy thổ nhưỡng nhiều địa phương khác trong huyện có nét tương đồng với thổ nhưỡng vùng núi Báo, nên việc phát triển cây Sâm Báo trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc rất khả thi. Vì vậy, phòng đã tham mưu UBND huyện Vĩnh Lộc xây dựng đề án Bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây Sâm Báo, mục tiêu đưa cây Sâm Báo trở thành sản phẩm chủ lực của huyện, mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Để dược tính trong sâm tốt nhất như vùng núi Báo, Viện di truyền nông nghiệp phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Vĩnh Lộc thực hiện dự án chỉ dẫn địa lý cho cây Sâm Báo.”
Được biết, năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án phát triển cây Sâm Báo ở xã Vĩnh Hùng và giao cho Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn –Triso Group triển khai thực hiện. Đến nay, diện tích trồng Sâm Báo trên toàn huyện đạt khoảng 25ha.
Sâm Báo là loài thuộc thân cây thảo, dược tính tốt, trong rễ Sâm Báo có chứa hợp chất coumarin, flavonoid, đường khử, chất nhầy, acidamin, acid hữu cơ, phytosterol và sesquiterpen. Hàm lượng chất nhầy 26,7%. Các axid amin gồm 11 chất, gồm alann, prilin, tyrosin, phenylalamin, leucin… và các khoáng tốt cho cơ thể như canxi, natri, magie, sắt, đồng, kẽm photpho…Hiện nay, từ sâm Báo, Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn –Triso Group đã chế biến và cho ra nhiều sản phẩm như: Cao Sâm Báo, Viên nang Sâm Báo, nước uống bổ dưỡng Sâm Báo, rượu Sâm Báo, mặt nạ Sâm Báo, Cà phê Sâm Báo…Ngoài ra, có 2 sản phẩm chế biến từ Sâm Báo được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao như: Rượu Sâm Báo An Tâm (cơ sở kinh doanh rượu An Tâm); Trà Sâm Báo Thảo Nga (HTX Nông nghiệp Tây Đô).
Thực hiện: Thức Bá