BVR&MT – Thực tiễn việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nước ta thời gian gần đây cho thấy chủ thể triển khai phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải là các doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác và các hộ nông dân, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong vì có điều kiện tài chính để thường xuyên đổi mới công nghệ, sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý khoa học và xây dựng thương hiệu gắn với thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nông dân tiếp cận tốt với các công nghệ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, định hướng thị trường và liên kết với nông dân.
Để mở rộng quy mô sản xuất, hộ nông dân cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, để bảo đảm sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần phù hợp với yêu cầu sinh thái của đối tượng cây trồng vật nuôi và bảo đảm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu từng địa phương; việc quy hoạch sản phẩm, quy hoạch và sử dụng đất đai cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng phải bảo đảm phù hợp với điều kiện sinh thái, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, ổn định đời sống, bảo vệ lợi ích của người nông dân.
Để mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cần hoàn thiện chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; xã hội hóa tối đa đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài; liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các địa phương cần triển khai quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch.
Vừa qua đồng chí Dương Văn Lượng – Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì Hội nghị tham gia ý kiến về Dự thảo Quy định chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.. Theo đó thì Dự thảo Quy định chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh gồm có các chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ dồn điền đổi thửa; hợp tác liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; hỗ trợ ứng dụng khoa học – công nghệ vào phát triển nông nghiệp an toàn hữu cơ….
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung về thời gian hỗ trợ nguồn vốn cho từng loại hình đầu tư; diện tích quy định khi tiến hành dồn điền đổi thửa; cơ chế để thu hút nguồn nhân lực vào lĩnh vực nông nghiệp; thời hạn đối với chính sách tín dụng; chính sách đặc thù cho vùng khó khăn; quản lý đầu ra cho sản phẩm nông sản.
Ông Chu Văn Khanh – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư cho biết: “Việc triển khai đồng bộ, bài bản, liên tục, công tác xúc tiến đầu tư được như: tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tham dự các hội chợ xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, chuyên đề xúc tiến đầu tư phát sóng trên truyền hình…đã mang lại những kết quả tích cực; Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 thành công chính là kết quả của một quá chuẩn bị xúc tiến đầu tư dài hạn, công phu, đúng đắn, có định hướng. Kể từ sau Hội nghị đến nay Tỉnh đã thu hút được 63 dự án của 44 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 114.012 tỷ đồng”.
Đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, hiện Thái Nguyên đang khuyến khích đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang quan tâm đến việc dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn, đất đồi trước đây của nông lâm trường quốc doanh. Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến kho đất đai, một trong những thế mạnh của tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên khuyến khích doanh nghiệp, người dân tạo ra giá trị hàng hóa tiêu chuẩn đưa vào các nhà máy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên trong các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Đức Long