BVR&MT – Là trung tâm của khu vực trung du miền núi phía Bắc, trong cuộc đổi mới về phát triển đô thị, nhiệm kỳ vừa qua (2015 – 2020), Thái Nguyên đã bắt đầu dốc lực “thay da đổi thịt” bằng cách triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông và “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư.
Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, một trong những mục tiêu quan trọng được Thái Nguyên đặt ra là xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững để hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau tròn một thập kỷ TP. Thái Nguyên – trung tâm của tỉnh – được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, mảnh đất xứ Trà đang khát khao bứt tốc để có những cuộc chuyển mình mạnh mẽ.
Nhìn lại 5 năm qua phải khẳng định rằng Thái Nguyên đã thực hiện rất tốt các nhóm giải pháp chính thực hiện vận động xúc tiến, thu hút đầu tư. Ông Đặng Văn Huy, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, có 6 nhóm giải pháp được tỉnh chú trọng: Một là nhóm giải pháp về luật pháp, chính sách, tỉnh đã tăng cường rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung nội dung còn thiếu và loại bỏ các điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư không phù hợp. Hai là nhóm giải pháp về quy hoạch, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu; rà soát để định kỳ bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu; hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi quy hoạch, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; rà soát, kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả. Ba là nhóm giải pháp về cải thiện cơ sở hạ tầng, Thái Nguyên tiếp tục tiến hành tổng rà soát, điểu chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Bốn là nhóm giải pháp về nguồn nhân lực, tỉnh đã đẩy mạnh việc triển khai các kế hoạch tổng thể về đào tạo nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo để đáp ứng các yêu cầu mới, phấn đấu theo kịp mô hình giáo dục đào tạo trong khu vực và trên thế giới. Năm là nhóm giải pháp về giải phóng mặt bằng, tăng cường công tác giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch, thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. Sáu là nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư, đã nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm; kết hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; phối hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin, giải quyết ngay kiến nghị từ phía các nhà đầu tư.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc tập trung thực hiện chính sách cởi mở, thông thoáng nhất để đón làn sóng đầu tư mới, riêng trong tháng 10 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã có thêm 2 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, dự án nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar có tổng vốn đầu tư 203 triệu đô la Mỹ, quy mô trên 256 triệu sản phẩm/năm và dự án nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng – Thái Nguyên 2 với tổng vốn đầu tư 23 triệu đô la Mỹ. Đây là 2 dự án đầu tư tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình. Cũng trong tháng 10, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Yên Bình và Tập đoàn DBG Electronics Limited (Hồng Kông, Trung Quốc) đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc thuê đất tại Khu công nghiệp Yên Bình để thực hiện Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, nâng tổng số vốn đăng ký đầu tư vào KCN Yên Bình từ đầu năm 2020 đến nay đạt trên 300 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt con số ấn tượng (xấp xỉ 20%) đó là sự đóng góp của các KCN, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI là tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Tea Young Metal, Yestech Global, Erang Vina, Time…
Hiện tại cùng với Thái Nguyên trở thành cái tên được giới địa ốc đặc biệt quan tâm. Miền đất hứa này đã có sự xuất hiện của rất nhiều dự án với những tên tuổi nổi bật như: Danko Group, DetechLand, Thiên Lộc, Tập đoàn TMS, FLC, Phúc Lộc, Xuân Trường, T&T, Apec…
Thậm chí, một số doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh, vốn chưa từng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng đi nước cờ quan trọng tham gia vào thị trường sôi động này như: Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (vốn kinh doanh trong lĩnh vực may mặc),…
Cùng với đó, khắc phục tình trạng phát triển “lệch”, đô thị hóa chủ yếu mới nằm ở ba phía: Tây, Nam và Bắc, Thái Nguyên hiện thực hoá khát vọng vươn về phía Đông, phát triển đô thị hai bên bờ sông Cầu theo chủ trương trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Theo đó, sẽ lấy sông Cầu làm trung tâm, tỉnh và TP. Thái Nguyên phát triển về hướng mặt trời mọc. Theo đánh giá của các chuyên gia, với phương án điều chỉnh mới, TP. Thái Nguyên sẽ phát triển theo hướng thịnh vượng hơn với cấu trúc đô thị bền vững trên cơ sở không gian xanh. Đến năm 2035, thành phố trở thành một cực phát triển phía Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, một thành phố hấp dẫn, giàu bản sắc và hiện đại.
Đức Long