BVR&MT – Nhiều hộ dân sống ở cạnh các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng đã tận dụng mặt nước lòng hồ để nuôi cá lồng bè. Từ những loài thủy sản quý ở địa phương như cá lăng nha, chạch lấu, cá lìm kìm… đã giúp cho các hộ dân có thu nhập cao, ổn định sinh kế.
Tại khu vực lòng hồ thủy điện Thác Mơ thuộc địa phận xã Minh Hưng (huyện Bù Đăng) có làng nuôi cá lồng bè với gần chục hộ. Hình ảnh ánh đèn trên vó mỗi tối đã thu hút nhiều côn trùng đậu xung quanh và dẫn dụ nhiều các loại cá nhỏ như lòng tong, tép. Đây chính là nguồn thức ăn để các hộ dân nuôi cá lồng bè giảm chi phí đầu tư thức ăn và có thêm thu nhập từ bán cá.
Gia đình anh Đặng Văn Liên là một trong những hộ đến từ các tỉnh miền Tây đã gắn bó nhiều năm với nghề mưu sinh trên sông nước. Tại lòng hồ thủy điện Thác Mơ, những lồng bè luôn đầy cá với các lứa kích cỡ khác nhau sẵn sàng mang đi bán. Theo anh Đặng Văn Liên, ở khu vực này chủ yếu các hộ nuôi cá lồng đến từ các tỉnh An Giang, Long An, Tiền Giang để mưu sinh. Hiện nay, họ chủ yếu nuôi cá lồng và đánh bắt cá để làm thức ăn cho cá nuôi hoặc bán cho các thương lái để kiếm thêm thu nhập.
Cũng thuộc lòng hồ thủy điện Thác mơ, anh Nguyễn Văn Lời tại xóm Việt kiều thuộc thôn Bình Đức 1 (xã Đức Hạnh, Bù Gia Mập) với kinh nghiệm trong nghề nuôi cá lồng 21 năm. Hiện nay, gia đình anh Lời nuôi 4 lồng cá, chủ yếu cá lăng vàng, lăng nha, cá lóc. Anh Nguyễn Văn Lời cho biết: Trước đây, bà con ở đây không nuôi lồng thu nhập bấp bênh, nhất vào mùa mưa gió đánh bắt rất khó khăn. Tại khu vực này có khoảng 7 hộ nuôi cá lồng đã có nguồn thu nhập khá ổn định. Hầu hết những hộ nuôi ở đây không có đất sản xuất. Từ khi đầu tư nuôi cá lồng thu nhập đã cao hơn trước.
Còn tại làng bè thuộc xã Phước Minh (huyện biên giới Bù Gia Mập) nhiều hộ dân tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện Cần Đơn phát triển mô hình cá lồng. Trước kia, những hộ dân này chủ yếu mưu sinh dựa vào đánh bắt trực tiếp cá dưới lòng hồ. Hầu hết họ đánh bắt theo phương thức tận diệt. Sau đó, khi được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền tác hại của khai thác tận diệt, người dân đã bỏ phương tiện đánh bắt cá kích điện, thuốc nổ hay vó, đáy.… Thay vào đó, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá lồng bè, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững hơn.
Ông Lê Văn Lũy ở thôn Bù Tam (xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi từ đánh bắt trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn sang nuôi bằng lồng. Ông Lũy chia sẻ: “Trước kia tôi cùng nhiều hộ dân nơi đây chủ yếu đánh bắt cá trực tiếp tại lòng hồ nên sản phẩm thu về lúc có lúc không. Sau khi chuyển sang nuôi cá lồng bè, nguồn thu nhập của các hộ dần dần ổn định hơn, không đánh bắt tận diệt như trước nữa.
“Tôi đã chuyển sang nuôi cá lồng bè hơn chục năm rồi. Lúc đầu, bản thân chủ yếu nuôi cá diêu hồng trong lồng bè. Sau đó, năm 2022, gia đình tôi được sự hỗ trợ kỹ thuật và cá lăng giống từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh nên đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 lồng bè để nuôi. Đây là loại cá đặc sản của địa phương giá trị kinh tế cao”, ông Lũy cho biết thêm.
Ngoài ra, theo nhiều hộ dân nuôi cá lồng trên mặt nước hồ thủy điện Cần Đơn, nhờ lợi thế dòng nước lưu thông liên tục, mực nước mặ hồ ổn định nên rất thuận thuận lợi cho cá nuôi phát triển tốt, chất lượng thịt cá tốt. Đặc biệt, loại cá lăng tận dụng thức ăn bằng cá con tạp có sẵn tại lòng hồ nên các hộ nuôi lồng chỉ tốn chi phí gia đoạn đầu, còn gia đoạn sau chi phí thức ăn càng thấp. Theo anh Lũy cho biết, cá lăng giá bán không dưới 300.000 đồng/kg. Cá đạt trọng lượng từ 1 – 2 năm đạt từ 2 kg trở lên có thể xuất bán. Riêng gia đình ông Lũy, với 10 lồng bè, ước tính vụ 2023 đem lại nguồn thu khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh Đỗ Tấn Tài cho biết, thời gian qua nhiều hộ dân chuyển sang mô hình nuôi cá lồng bè đã có thu nhập cao hơn. Các hộ dân khai thác cá tại lòng hồ thủy điện không chỉ làm thức ăn cho cá nuôi lồng mà còn bán cho các hộ làm khô cá hay tự làm khô rồi bán cho người dân địa phương, các chợ.
Hiện trên toàn tỉnh Bình Phước có khoảng 70 hộ nuôi lồng bè trên các hồ chứa với tổng số lồng nuôi khoảng 150 lồng. Trong đó, khoảng 50 hộ dân tập trung chủ yếu trên hồ Thác Mơ, Cần Đơn với khoảng hơn 120 lồng.
Theo Phó phòng Nghiệp vụ – Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước Nguyễn Tấn Phước, để phát triển nghề nuôi cá lồng bè mạnh hơn nữa, hiện ngành nông nghiệp đang tập trung các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ cho các làng bè. Qua đó, tăng cường hỗ trợ phát triển nguồn lợi thủy sản, các mô hình tổ chức nuôi cá lồng bè theo hướng liên kết sản xuất từ khâu cung ứng con giống, nuôi thương phẩm đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm góp phần ổn định và cải thiện thu nhập cho ngư dân.
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 16 tổ nghề cá cộng đồng quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản với khoảng 1.000 lao động có các hoạt động về nuôi và khai thác thủy sản trên các hồ chứa. Tổ nghề cá cộng đồng nhằm hướng việc khai thác và quản lý khai thác bảo vệ được nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ nguồn thu thập chung cho cộng đồng.