BVR&MT – Dữ liệu mới chứng tỏ bạn có thể ủng hộ tư bản hoặc môi trường – nhưng thật khó để làm cả hai. Bài viết dưới đây của tác giả John Hickel đăng trên Tạp chí Foreign Policy sẽ minh chứng cho điều này.
Ngày nay, cảnh báo về sự cố sinh thái đã trở nên phổ biến. Trong vài năm qua, các tờ báo lớn, bao gồm cả Guardian và New York Times, đã gióng hồi chuông báo động về nạn suy kiệt đất đai, phá rừng, sự tan rã của các đàn cá và quần thể côn trùng. Những cuộc khủng hoảng này đang được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi kèm với nhu cầu tiêu thụ. Đây cũng là tác nhân phá hủy sinh quyển trái đất và thổi bay các lằn ranh hành tinh thiết yếu mà theo các nhà khoa học thì phải tôn trọng để tránh gây ra sự sụp đổ.
Nhiều nhà hoạch định chính sách đáp trả bằng cách thúc đẩy cái hiện nay gọi là “tăng trưởng xanh”. Họ cho rằng tất cả những gì cần làm là đầu tư vào công nghệ hiệu quả hơn và đưa ra các ưu đãi phù hợp, và chúng ta sẽ có thể tiếp tục phát triển trong khi đồng thời giảm tác động tới thế giới tự nhiên vốn đã ở mức không bền vững. Về mặt kỹ thuật, mục tiêu là đạt được sự “tách rời tuyệt đối” GDP khỏi tổng số sử dụng tài nguyên thiên nhiên, theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc.
Nghe có vẻ như một giải pháp thanh lịch cho một vấn đề thảm khốc. Chỉ có một gút mắc: Bằng chứng mới cho thấy tăng trưởng xanh không phải là thuốc chữa bách bệnh mà tất cả mọi người đều đang mong đợi. Trong thực tế, nó thậm chí là không thể.
Tăng trưởng xanh lần đầu tiên trở thành một cụm từ thông dụng vào năm 2012 tại Hội nghị Phát triển bền vững của Liên hợp quốc được tổ chức ở Rio de Janeiro. Trước thềm Hội nghị, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đều đã đưa ra các báo cáo cổ súy cho tăng trưởng xanh. Ngày nay, nó là nguyên tắc cốt lõi của các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Nhưng lời hứa về tăng trưởng xanh hóa ra đã dựa nhiều hơn vào suy nghĩ mang tính ước vọng hơn là bằng chứng. Trong nhiều năm kể từ Hội nghị Rio, ba nghiên cứu thực nghiệm lớn đã đi đến một kết luận khá đáng ngại: Ngay cả trong điều kiện tốt nhất, việc tách GDP hoàn toàn khỏi sử dụng tài nguyên là không thể trên quy mô toàn cầu.
Một nhóm các nhà khoa học do nhà nghiên cứu người Đức Monika Dittrich đứng đầu đã nêu ra mối hoài nghi vào năm 2012. Nhóm đã chạy một mô hình điện toán phức tạp dự đoán điều sẽ xảy ra với việc sử dụng tài nguyên toàn cầu nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục trên quỹ đạo hiện tại, ở mức khoảng 2 đến 3% mỗi năm. Kết quả cho thấy việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của con người (kể cả cá, gia súc, rừng, kim loại, khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch) sẽ tăng từ 70 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2012 lên 180 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2050. Cần lưu ý rằng mức sử dụng tài nguyên bền vững là khoảng 50 tỷ tấn mỗi năm – ranh giới mà chúng ta đã vi phạm từ năm 2000.
Nhóm nghiên cứu sau đó chạy lại mô hình để xem những gì sẽ xảy ra nếu mọi quốc gia trên trái đất ngay lập tức áp dụng thực hành tốt nhất trong sử dụng tài nguyên hiệu quả (một giả định cực kỳ lạc quan). Kết quả được cải thiện, tiêu thụ tài nguyên chỉ dừng ở mức 93 tỷ tấn vào năm 2050. Nhưng con số này vẫn hơn xa mức chúng ta đang tiêu thụ hiện nay. Việc đốt cháy tất cả các tài nguyên đó khó có thể được mô tả như là sự tách rời tuyệt đối hay tăng trưởng xanh.
Vào năm 2016, một nhóm các nhà khoa học thứ hai đã thử nghiệm một tiền đề khác: các quốc gia trên thế giới đều đồng ý thực hiện theo mức hơn cả thực tiễn tốt nhất hiện có. Theo kịch bản tốt đẹp nhất, các nhà nghiên cứu giả định một mức thuế sẽ tăng giá carbon toàn cầu từ 50 đô la lên 236 đô la/tấn và cách mạng công nghệ sẽ tăng gấp đôi hiệu quả chúng ta sử dụng tài nguyên. Kết quả gần như y hệt nghiên cứu của Dittrich. Theo những điều kiện này, nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng 3% mỗi năm, chúng ta vẫn sử dụng khoảng 95 tỷ tấn tài nguyên vào năm 2050. Tóm lại: không thể có sự tách rời tuyệt đối.
Cuối cùng, năm ngoái, UNEP – một trong những cơ quan cổ súy nhiệt thành của lý thuyết tăng trưởng xanh – đã cân nhắc lại vấn đề. UNEP thử nghiệm một kịch bản với giá carbon 573 đô la/tấn, được tính vào thuế khai thác tài nguyên, và giả định rằng sự đổi mới công nghệ nhanh chóng được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Kết quả? Chúng ta đạt mức tiêu thụ 132 tỷ tấn vào năm 2050. Phát hiện này còn tệ hơn so với hai nghiên cứu trước vì các nhà nghiên cứu đã tính đến “hiệu ứng hồi phục”, nhờ đó cải thiện hiệu quả tài nguyên làm giảm giá và làm tăng nhu cầu – dĩ nhiên cũng bớt đi một số lợi ích.
Các nghiên cứu đều cho thấy điều tương tự. Giới khoa học đang bắt đầu nhận ra rằng có những hạn chế về mặt vật chất để chúng ta có thể sử dụng tài nguyên hiệu quả như thế nào. Chắc chắn, chúng ta có thể sản xuất xe hơi, iPhone và tòa nhà chọc trời một cách hiệu quả hơn, nhưng chúng ta không thể sản xuất chúng chỉ bằng không khí. Chúng ta có thể chuyển nền kinh tế sang các dịch vụ như giáo dục và yoga nhưng ngay cả các trường đại học và phòng tập thể dục cũng cần đến vật liệu.
Những vấn đề này khiến toàn bộ khái niệm về tăng trưởng xanh bị nghi ngờ và cần phải cân nhắc lại triệt để. Hãy nhớ rằng ba nghiên cứu trên đều sử dụng các giả định lạc quan cao. Hiện chúng ta áp thuế carbon toàn cầu thấp hơn nhiều mức 600 đô la cho mỗi tấn và hiệu quả tài nguyên hiện đang trở nên tồi tệ hơn chứ không tốt hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng ngay cả khi chúng ta làm mọi thứ đúng đắn, tách rời tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng tài nguyên sẽ vẫn xa vời và các vấn đề môi trường của chúng ta sẽ tiếp tục xấu đi.
Để ngăn chặn kết quả đó đòi hỏi một mô hình hoàn toàn mới. Thuế cao và cải tiến công nghệ sẽ có hiệu quả nhưng thế chưa đủ. Mục tiêu thực tế duy nhất mà nhân loại có thể làm nhằm ngăn chặn sự sụp đổ sinh thái là mạnh tay xiết lại việc sử dụng tài nguyên, như nhà kinh tế Daniel O’Neill đã đề xuất gần đây. Việc này cần được thi hành bởi chính phủ quốc gia hoặc bởi các điều ước quốc tế, có thể đảm bảo rằng chúng ta không khai thác từ đất và biển hơn mức trái đất có thể tái tạo một cách an toàn. Chúng ta cũng nên ngừng coi GDP như một chỉ số về sự thành công về kinh tế và áp dụng một biện pháp cân bằng hơn như Chỉ số tiến bộ thật sự (GPI) – có tính tới gây ô nhiễm và cạn kiệt tài sản tự nhiên. Sử dụng GPI sẽ giúp chúng ta tối đa hóa các kết quả tốt trong xã hội đồng thời giảm thiểu các kết quả xấu về mặt sinh thái.
Nhưng vẫn phải đưa ra kết luận rõ ràng. Cuối cùng, đưa nền văn minh trở lại ranh giới hành tinh sẽ yêu cầu chúng ta giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế – bắt đầu với các quốc gia giàu có. Kết thúc tăng trưởng không có nghĩa là chấm dứt hoạt động kinh tế – nó chỉ đơn giản có nghĩa là năm tới chúng ta không thể sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn năm nay. Nó cũng có nghĩa là thu hẹp một số lĩnh vực đặc biệt gây tổn hại đến hệ sinh thái và không cần thiết cho sự phát triển của con người, chẳng hạn như quảng cáo, đi lại và các sản phẩm sử dụng một lần.
Nhưng kết thúc tăng trưởng không có nghĩa là mức sống bị ảnh hưởng. Hành tinh này cung cấp quá đủ cho tất cả chúng ta, vấn đề là tài nguyên không được phân phối công bằng. Chúng ta có thể cải thiện cuộc sống của con người ngay bây giờ chỉ đơn giản bằng cách chia sẻ những gì đã có theo cách công bằng hơn chứ không phải bóc lột trái đất để có nhiều hơn. Điều này cũng có nghĩa là các dịch vụ công cộng tốt hơn, là thu nhập cơ bản được đảm bảo, hoặc cũng có thể là một tuần làm việc ngắn hơn cho phép chúng ta giảm quy mô sản xuất nhưng vẫn cung cấp đủ việc làm. Các chính sách như thế này – và vô số những chính sách khác – sẽ rất quan trọng để chúng ta không chỉ sống sót mà còn phát triển trong thế kỷ 21.
Nhật Anh (Theo Foreignpolicy.com)