BVR&MT – Theo thông tin được biết, tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành cho đấu giá tiếp 3 mỏ cát khác trên địa bàn huyện Ba Vì, bao gồm các mỏ Cổ Đô 1, Cổ Đô 2, Thanh Chiểu. Đơn vị được lựa chọn tổ chức đấu giá là Công ty Đấu giá Hợp danh Bắc Trung Nam.
Cụ thể Hà Nội đã có kế hoạch đấu giá các mỏ cát sau:
Mỏ cát Cổ Đô 1 (thuộc địa bàn xã Cổ Đô và xã Phú Cường, huyện Ba Vì) có trữ lượng 4.145.738m3, giá khởi điểm gần 17 tỷ đồng, mỗi bước trả giá là 849 triệu đồng.
Mỏ cát Cổ Đô 2 (xã Cổ Đô và Phú Cường) có trữ lượng 3.625.996m3, giá khởi điểm 14,8 tỷ đồng, bước giá là 743 triệu đồng.
Mỏ cát Thanh Chiểu (xã Phú Cường) trữ lượng 2.490.912m3, giá khởi điểm 10,2 tỷ đồng, bước giá tham gia đấu giá là 510 triệu đồng.
Tổng cộng giá khởi điểm của cả 3 mỏ cát này khoảng 42 tỷ đồng – cao hơn 82% so với tổng mức giá 23 tỷ đồng khởi điểm đấu giá của 3 mỏ cát Châu Sơn, Tây Đằng – Minh Châu, Liên Mạc – Thượng Cát.
Cuộc đấu giá lần này được dư luận đánh giá là sẽ rất “nóng”, thậm chí còn “nóng” hơn cả cuộc đấu giá nhiều tranh cãi lần trước, bởi giá khởi điểm của lần đấu giá này đều đã được đẩy lên rất cao. Sở dĩ giá khởi điểm cao hơn vì trữ lượng của 3 mỏ cát này lớn hơn 3 mỏ cát đã tổ chức đấu giá đợt 1 thu về gần 1.700 tỷ đồng vừa qua.
Trước đó, vào ngày 5/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã tổ chức Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát tại huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm gồm Châu Sơn, Tây Đằng và Liên Mạc.
Đây là cuộc đấu giá đạt hai kỷ lục, thứ nhất là kỷ lục về thời gian khi diễn ra xuyên đêm từ 9 giờ sáng hôm trước tới 5:33 sáng hôm sau (22 tiếng) mới kết thúc. Cùng với đó, giá cuối cùng được chốt của 3 mỏ cát cũng khiến nhiều người giật mình, với tổng cộng gần 1,690 tỷ đồng – gấp từ hàng chục tới hàng trăm lần giá khởi điểm.
Kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát này được nhiều người cho rằng có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế – xã hội và thị trường vật liệu xây dựng.
Mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 1087 gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Theo công điện của Thủ tướng, thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường công khai, minh bạch, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Xuân Thời