BVR&MT – Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới ban hành thông báo về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, sản phẩm sầu riêng tươi của Việt Nam đáp ứng yêu cầu kiểm dịch sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc kể từ ngày 27/7.
Thông báo cho biết, việc xuất khẩu sản phẩm sầu riêng tươi của Việt Nam sang Trung Quốc dựa trên quy định của Nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vườn trồng và cơ sở đóng gói phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận đăng ký với các thông tin cụ thể về tên gọi, địa chỉ và mã đăng ký. Danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố trên website và cập nhật thường xuyên.
Theo yêu cầu của cơ quan chức năng Trung Quốc, các sản phẩm sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý trước khi xuất khẩu, bao gồm quản lý vườn trồng, quản lý đóng gói, kiểm dịch trước khi xuất khẩu; và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, ghi rõ tên hoặc mã số của vườn trồng và cơ sở đóng gói.
Các lô hàng sầu riêng tươi Việt Nam phải được xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu mà cơ quan hải quan nước này cho phép nhập khẩu trái cây; sau khi được kiểm tra nhãn mác và chứng nhận, kiểm nghiệm và kiểm dịch đạt yêu cầu sẽ được nhập cảnh vào thị trường nước này.
Trung Quốc hiện nay chưa có các vùng trồng sầu riêng trên quy mô lớn, chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Thống kê cho thấy, năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 821.600 tấn sầu riêng tươi với kim ngạch 4,205 tỷ USD, lần lượt tăng 42,7% và 82,4% so năm trước, trong đó phần lớn nhập khẩu từ Thái Lan.
Theo đánh giá của cơ quan thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, việc sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc là một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị phần các loại nông sản Việt Nam tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Đây là cơ hội tốt để tăng kim ngạch thương mại song phương, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của đất nước 1,4 tỷ dân với các nông sản chất lượng cao ngày càng gia tăng.