BVR&MT – Phân tích đa dạng gen của rùa bốn mắt – loài cực kỳ nguy cấp vì nạn buôn bán động vật đang dã ngày càng tăng ở Việt Nam – từ các mẫu thu thập tại hiện trường và bị bán tại địa phương, các nhà nghiên cứu cảnh báo rùa bị tịch thu không được thả trở lại tự nhiên cho đến khi truy xuất được nguồn gốc nơi chúng chúng bị bắt.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà bảo tồn rùa và sinh học phân tử thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kiểm sát, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Việt Nam), Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, Vườn thú Cologne (Đức) và Chương trình bảo tổn rùa châu Á mới công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nature Conservation.
Theo nhóm nghiên cứu, buôn bán động vật hoang dã đang diễn ra tràn lan ở Đông Nam Á, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này.
Từ khi Việt Nam mở cửa thị trường vào cuối những năm 1980, mỗi năm một lượng lớn động vật hoang dã vượt biên sang Trung Quốc. Các loài hoang dã cũng bị xuất khẩu sang các nước châu Á khác, châu Âu và Hoa Kỳ. Thậm chí, những năm gần đây, Việt Nam còn là nước trung chuyển vảy tê tê và các sản phẩm động vật hoang dã từ châu Á và châu Phi vào Trung Quốc.
Hơn nữa, tầng lớp trung lưu Việt Nam phát triển kéo theo tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã tăng mạnh. Hệ quả là Việt Nam đóng cả 3 vai trò trong chuỗi buôn bán động vật quốc tế ở cấp độ quốc tế: xuất khẩu, nhập khẩu và cả tiêu thụ.
Các loài rùa nước ngọt là nhóm bị buôn bán phổ biến giữa Việt Nam – Trung Quốc cũng như buôn bán trong nội địa. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, buôn bán động vật hoang dã chuyển dần sang nền tảng mới là trực tuyến, càng đe dọa đến sự tồn vong của các loài bị đe dọa. Rùa Trung bộ và rùa Hoàn Kiếm bị đẩy đến bờ tuyệt chủng, dù các cuộc khảo sát liên tục được thực hiện với nỗ lực của giới bảo tồn nhưng không quần thể nào của loài được phát hiện.
Một trong những cách tiếp cận hiệu quả để bảo tồn những loài nguy cấp nhất là thả về tự nhiên những cá thể bị tịch thu (sau khi đã điều trị và kiểm dịch kỹ lưỡng) hoặc chuyển chúng tới các chương trình nhân nuôi bảo tồn. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần biết xuất xứ của rùa vì thả một cá thể vào địa điểm không thể thích nghi một cách tự nhiên hoặc có những quần thể địa phương không thích nghi về gen sẽ gây tác động tiêu cực về cả vốn gen và sức khỏe hệ sinh thái.
Phân tích các mẫu rùa bốn mắt thu thập tại hiện trường và bị bán tại địa phương với các cá thể rùa bị tịch thu, nhóm nghiên cứu kết luận rằng có nhiều dòng riêng biệt phân bố ở Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời các mẫu bị bán ở địa phương cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng để giải quyết các mô hình gen của loài. Nhóm cũng cho biết ngày càng khó phát hiện rùa bốn mắt ở ngoài tự nhiên.
Mặt khác, nghiên cứu nêu bật lên rằng rùa bị tịch thu có xuất xứ đa dạng, vì thế không nên thả một cách tùy tiện tại nơi chúng được bắt giữ. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị các chương trình nuôi nhốt tiến hành sàng lọc gen để xác định xuất xứ của rùa bị tịch thu, qua đo tránh được rủi ro lai chéo loài. Quy trình sàng lọc gen như thế có vai trò thiết yếu với công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam cũng như khu vực.
“Cũng như những nước đang phát triển khác, Việt Nam không có hướng dẫn cụ thể về cách tái thả động vật bị tịch thu vào thiên nhiên. Nghiên cứu này nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền trong việc thực thi luật lệ nghiêm ngặt hơn “, TS. Lê Đức Minh, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ.
“Nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh cách tiếp cận chung một kế hoạch của IUCN nhằm phát triển chiến lược tích hợp để kết hợp giữa các biện pháp nguyên vị và chuyển vị với các nhóm chuyên gia, vì mục đích bảo tồn loài”, TS. Thomas Ziegler thuộc Vườn thú Cologne nhấn mạnh.
Thế Anh (Theo ScienceDaily)