Bốn mươi nhà khoa học hàng đầu thế giới vừa đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không bảo vệ được rừng thì cũng chớ hy vọng ngăn chặn được sự nóng lên toàn cầu bởi rừng chính là công nghệ loại bỏ carbon một cách tự nhiên nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất. Đáng tiếc là nạn phá rừng vẫn tiếp diễn trên toàn cầu, thậm chí tăng tốc ở một số vùng như lưu vực sông Mê Công.
Somsak Sukwong, người sáng lập Trung tâm vì Con người và Rừng (RECOFTC) cho hay ở Thái Lan, RECOFTC đã chiến đấu với phá rừng trong 60 năm qua nhưng gỗ vẫn bị tuồn ra khỏi các vườn quốc gia và khu bảo tồn động vật hoang dã.
Cũng theo TS. Somsak Sukwong, có một nghịch lý là tất cả sự chú ý xung quanh sự nóng lên toàn cầu hiện đều được gói gọn trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và các chiến lược giảm khí nhà kính khác trong khi phần cốt lõi của giải pháp này đã nằm ngay trước mắt chúng ta.
Riêng đối với khu vực Mê Công, theo nhà hoạt động rừng Sasin Chalermlarp thuộc Quỹ Seub Nakhasathien, mặc dù được ưu đãi với nguồn tài nguyên rừng rộng lớn nhưng Mê công đang tiếp tục mất rừng với tốc độ đáng báo động chỉ vì tăng trưởng kinh tế.
Một báo cáo của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát hành vào tháng 7 cũng minh chứng Mê Công là khu vực có mật độ rừng cao nhất thế giới trong những năm 1970 nhưng đã mất 1/3 diện tích che phủ. Đặc biệt, khu vực này sẽ mất thêm 1/3 nữa trong khoảng từ năm 2010 đến năm 2030. Hiện WWF đã đưa các nước Mê Công vào trong số mười một “Mặt trận phá rừng” chịu trách nhiệm tới 80% cho nạn phá rừng trên thế giới trong thập kỷ tới.
Phần lớn sự suy giảm rừng hiện xảy ra ở Campuchia, Lào và Myanmar. Việt Nam đang chuyển hướng quản lý rừng, chỉ tìm kiếm gỗ nguyên liệu từ các nước láng giềng. Thái Lan cũng nhập khẩu gỗ chưa chế biến vì đã mất hầu hết diện tích rừng nguyên sinh và gặp không ít khó khăn với các cộng đồng địa phương để quản lý một cách công bằng những gì còn lại.
Nhưng cả hai chuyên gia Somsak và Sasin đều cho rằng “tay chơi” thực sự trong cuộc đua mất rừng của khu vực Mê Công là Trung Quốc.
Somsak phân tích: “Không nhất thiết chúng ta phải thấy các xe tải chở gỗ đi về phía bắc vào Trung Quốc nhưng thường nó là hàng thành phẩm như đồ nội thất có giá trị cao nên không có giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ”.
Nhu cầu về gỗ trắc rất cao, chủ yếu từ Trung Quốc và rất ít tài nguyên được phân bổ cho việc bảo vệ rừng nên đây sẽ là một trận chiến còn kéo dài trong nhiều thập kỷ, Somsak nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn có một vấn đề nhức nhối khác là các khu rừng thường bị phát quang để trồng rừng, có thể là cao su, dầu cọ, chuối hoặc những loại cây phát triển nhanh. Việc chuyển đổi này làm gia tăng sự mất mát về cả carbon được lưu trữ và hấp thụ carbon trong tương lai, đồng thời tiếp tục gặm nhấm các khu rừng trong khu vực.
Đây là xu hướng đặc biệt đáng lo ngại. Các nhà khoa học lo ngại Báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5o C của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) sẽ thúc đẩy thứ gọi là các chiến lược năng lượng sinh học chưa được thử nghiệm để thu giữ và dự trữ carbon, tuy nhiên điều này có thể gây rủi ro quét sạch các khu rừng rộng lớn để trồng rừng lấy gỗ sản xuất năng lượng.
Việc phá rừng cũng sẽ đi kèm với các tác động xã hội sâu rộng đến các cộng đồng xưa nay sống phụ thuộc vào rừng và quản lý các khu rừng. Theo các nghiên cứu gần đây, cách tốt nhất để đảm bảo tính toàn vẹn và tái sinh rừng vĩnh viễn là để cho cộng đồng địa phương kiểm soát.
Somsak lo ngại trong tình hình Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị lớn tại Lào, Campuchia và Myanmar cộng với việc các thành viên của các quốc gia này được hưởng lợi từ nạn phá rừng liên tục, gần như không thể có chuyện khu vực Mê Công sẽ có những thay đổi đột phá mà các nhà khoa học đang kêu gọi.
“Cũng giống như người mua sản phẩm ngà voi không bị cản trở trước các chiến dịch bảo tồn toàn cầu, người tiêu dùng gỗ quý hiếm cũng không có khả năng ngăn chặn buôn lậu gỗ từ khu vực Mê Công… Đó sẽ tiếp tục là một trận chiến khó khăn”, Somsak nhấn mạnh.
Nhật Anh (Theo Mekongeye.com)