Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng-thủy văn góp phần phòng chống thiên tai

BVR&MT – Ngày 8/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 289/QÐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng-thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, nếu được triển khai đầy đủ sẽ cung cấp kịp thời những số liệu khí tượng-thủy văn tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, vùng trống số liệu, vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, khu vực ven biển, đảo… góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả hơn.

Trạm đo mưa tự động tại Hồ chứa nước Hoa Sơn, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Do tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, trên cả nước, thiên tai diễn ra khốc liệt, cực đoan, tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ngày càng phổ biến, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Dự báo xu thế thiên tai này còn tiếp tục trong thời gian tới, theo hướng cực đoan và bất thường hơn. Thực tế đó đòi hỏi ngành khí tượng-thủy văn phải không ngừng mở rộng mạng lưới các trạm quan trắc, đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.

Ðây được xem là vấn đề then chốt trong công tác thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Những hậu quả do biến đổi khí hậu sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu không được cảnh báo sớm. Các thông tin, số liệu theo dõi, giám sát và dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi người dân, chính phủ trong việc ứng phó các loại hình thiên tai.

Ðến nay, tổng số trạm đo mưa tự động được đầu tư từ nguồn xã hội hóa của nước ta là gần 1.400 trạm. Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, quy hoạch mạng lưới khí tượng-thủy văn được dựa trên cơ sở khoa học, có tính động và mở, có tư duy đổi mới, sáng tạo, tận dụng hiệu quả thành tựu khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài.

Quy hoạch cũng được xây dựng gắn liền với yêu cầu nâng cao độ chính xác, tính kịp thời và độ tin cậy của công tác dự báo, cảnh báo khí tượng-thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, quy hoạch nhằm phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia từng bước hiện đại, đồng bộ, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực châu Á và thế giới; có khả năng tích hợp, lồng ghép, kết nối, chia sẻ với mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới trạm khí tượng-thủy văn toàn cầu, hệ thống quan trắc chuyên dùng của các ngành, đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ liệu, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng-thủy văn bảo đảm tính kịp thời, độ tin cậy.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, mật độ trạm bình quân trên toàn mạng lưới đạt mức ngang bằng với các nước phát triển khu vực Ðông Nam Á; tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới trạm đạt hơn 40% đối với trạm khí tượng bề mặt; 50% đối với trạm quan trắc mực nước; 100% đối với các trạm đo mưa độc lập; 20% đối với các trạm đo lưu lượng nước.

Ðến năm 2030, mật độ bình quân trên toàn mạng lưới đạt mức ngang bằng với các nước phát triển khu vực châu Á; tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới trạm đạt hơn 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao, ít nhất 40% đối với các trạm đo lưu lượng. Nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng-thủy văn; hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu và chuyển đổi số ngành khí tượng-thủy văn. Tiếp cận, nghiên cứu một số loại hình quan trắc mới: trạm quan trắc trên các phương tiện di động như máy bay trinh sát khí tượng, tàu biển, vệ tinh khí tượng và viễn thám, tên lửa khí tượng, thiết bị không người lái và các công nghệ, thiết bị quan trắc hiện đại khác.

Tầm nhìn đến năm 2050, mật độ trạm khí tượng-thủy văn tự động ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới với tổng số trạm khí tượng-thủy văn lên tới 5.886 trạm. Chuyển đổi hầu hết các trạm khí tượng-thủy văn truyền thống sang tự động hoàn toàn theo mô hình mạng lưới trạm khí tượng-thủy văn hiện đại của các nước phát triển. Nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm một số loại hình quan trắc mới: Trạm quan trắc trên các phương tiện di động như máy bay trinh sát khí tượng, tàu biển, vệ tinh khí tượng và viễn thám, tên lửa khí tượng, thiết bị không người lái và các công nghệ, thiết bị quan trắc hiện đại khác.

Tuy nhiên, để bảo đảm quy hoạch được thực hiện hiệu quả, khả thi, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khí tượng-thủy văn; xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp; xây dựng lộ trình, phương án phù hợp theo quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập về khí tượng-thủy văn. Xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách về tổ chức, bộ máy phù hợp quá trình chuyển đổi mô hình quản lý mạng lưới trạm khí tượng-thủy văn theo hướng hiện đại, tự động, giảm nhân lực và chi phí quản lý vận hành; phát triển các dịch vụ khí tượng-thủy văn; thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quan trắc khí tượng-thủy văn; khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác khí tượng-thủy văn, trọng tâm là nhân lực tự động hóa.

Quy hoạch mạng lưới khí tượng-thủy văn được dựa trên cơ sở khoa học, có tính động và mở, có tư duy đổi mới, sáng tạo, tận dụng hiệu quả thành tựu khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành

Tags: ,
CHIA SẺ