BVR&MT – Là nông dân trẻ tuổi và năng động, có tầm nhìn xa trông rộng, anh Phan Quang Kỳ ở thôn Nhan Biều 1, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã mạnh dạn đầu tư trên 1 tỉ đồng để xây dựng mô hình kinh tế đa cây, đa con ở vùng gò đồi. Sau ít năm triển khai đã mang lại hiệu quả khả quan, tạo động lực để anh tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình.
Những năm trước, gia đình anh Kỳ xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn trong vườn nhà với quy mô 50 con lợn thịt, 10 lợn nái. Bình quân mỗi năm, doanh thu từ chăn nuôi lợn của gia đình trên 300 triệu đồng. Nhận thấy việc nuôi lợn trong vườn nhà rất khó để phát triển số lượng đàn vật nuôi nên anh quyết định tìm khu đất xa khu dân cư để mở rộng quy mô chuồng trại.
Năm 2019, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp 1 ha đất vùng gò đồi tại thôn Nhan Biều 1, từ nguồn vốn tích lũy sau nhiều năm làm ăn, vợ chồng anh Kỳ vay mượn thêm để đầu tư cải tạo, san ủi mặt bằng và xây dựng mô hình kinh tế đa cây, đa con với tổng kinh phí trên 1 tỉ đồng. Để mô hình phát triển bền vững, anh Kỳ nghiên cứu, quy hoạch từng hạng mục xây dựng phù hợp theo từng khu vực chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả.
Trước khi xây dựng chuồng trại, anh tiến hành trồng cây ăn quả với 500 gốc mít Thái, hơn 100 gốc thanh long ruột trắng nên hàng trăm gốc sim rừng. Vì vùng gò đồi nên cây trồng thường xuyên thiếu nước, để cây sinh trưởng tốt, anh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Sau hơn 2 năm, các loại cây này đã cho quả bói; riêng mít Thái vừa thu hoạch và bán được trên 100 triệu đồng.
Sau khi cây ăn quả phát triển tốt, anh Kỳ đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản, thông thoáng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ nguồn giống tự cung tự cấp, anh thả nuôi 100 con lợn, dự kiến 2 tháng nữa sẽ xuất chuồng lứa đầu tiên. Đồng thời, duy trì mô hình chăn nuôi lợn quy mô vừa tại vườn nhà như trước đây. Ngoài ra, anh nuôi thử nghiệm bồ câu Pháp để từng bước đa dạng hóa vật nuôi. Quá trình chăn nuôi, trồng trọt, anh thường xuyên nghiên cứu, học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng nên cây trồng và vật nuôi của gia đình anh phát triển tốt, ít bị dịch bệnh.
Anh Kỳ cho biết: “Tôi luôn quan niệm rằng, lao động là sáng tạo, vì thế khi chăn nuôi, trồng trọt ở quy mô nhỏ, nông dân nên học hỏi kinh nghiệm để có kế hoạch mở rộng, bảo đảm phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng và khả năng của mình. Các loại cây trồng như mít Thái và thanh long rất dễ trồng, tỉ lệ sống cao, ít dịch bệnh và sản phẩm dễ tiêu thụ. Còn đối với lợn, tôi tìm được đầu ra ổn định nên khá yên tâm. Vừa qua, nhận thấy hiệu quả bước đầu trang trại đa cây, đa con của gia đình tôi, để khuyến khích người dân tiếp tục phát triển mô hình, chính quyền xã đã cấp thêm cho gia đình tôi 0,5 ha đất vùng gò đồi. Dự kiến, trên diện tích này, sắp tới gia đình tôi sẽ đầu tư trồng thêm mít Thái, bưởi, cam, mở rộng chăn nuôi, xây dựng chuồng lợn nái khép kín với quy mô khoảng 30 con và nuôi thử nghiệm hươu”.
Nếu như trước đây trên vùng đất gò đồi ở thôn Nhan Biều 1 chủ yếu trồng cây tràm và cỏ dại mọc đầy thì nay dưới đôi bàn tay cần mẫn và khối óc nhanh nhạy của những nông dân như anh Kỳ, nhiều mô hình kinh tế đa cây, đa con được hình thành và được đầu tư quy mô, bài bản. Điều đó cho thấy, chủ trương giao đất vùng gò đồi cho những hộ nông dân có đủ điều kiện khai thác của chính quyền địa phương là hợp lý.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thượng Lê Kim Cận cho biết: “Vùng gò đồi ở Triệu Thượng hiện nay quỹ đất còn khá lớn. Vì thế, chính quyền xã đã và đang tạo điều kiện tốt nhất để nông dân tham gia xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại. Thời gian qua, Hội Nông dân xã cũng đã tích cực vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, đưa những loại giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt và chăn nuôi. Do đó, một số hội viên đã mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng trang trại, gia trại rất hiệu quả như anh Phan Quang Kỳ. Hội đang xây dựng mô hình này trở thành mô hình điểm để các hội viên học tập, làm theo, nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong vùng. Đồng thời, tìm mối liên kết để bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.