BVR&MT – Thời tiết nắng nóng kéo dài thời gian gần đây khiến cháy rừng liên tiếp xảy ra tại các tỉnh gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra cháy rừng, tuy nhiên nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm cho nhiều diện tích rừng phải đối mặt với nguy cơ xảy ra cháy cao.
Thời điểm này, công tác canh gác, tuần tra và đôn đốc các chính quyền địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng đang được lực lượng kiểm lâm thành phố Phúc Yên đặt lên hàng đầu để ứng phó kịp thời với thời tiết nắng nóng kéo dài.
Ông Đàm Văn Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên cho biết: Phần lớn diện tích rừng của thành phố Phúc Yên chủ yếu là rừng trồng thuần loài gồm: Keo, bạch đàn và thông. Những loại cây này có nhiều tinh dầu, khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao rất dễ bén lửa. Trong khi thực bì dưới tán rừng dày gồm: Lau, lem, tế, guộc, cuộn, cành khô, lá rụng… làm gia tăng vật liệu gây cháy; nhiều hộ sinh sống xen lẫn trong rừng, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu. Do đó, thành phố Phúc Yên là địa bàn trọng điểm cháy rừng của tỉnh.
Năm 2019, thành phố có hơn 1.720 ha có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn thuộc các thôn của xã Ngọc Thanh gồm: Lập Đinh (550 ha); Thanh Cao (250 ha); Đồng Chằm (170 ha) và Trung tâm Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ (750 ha).
Từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến nhiệt độ trung bình ở mức khá cao, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên đến 39 – 41 độ C khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Vì thế, đã nhiều ngày nay, tại các khu vực trọng điểm hay xảy ra cháy rừng như: Khu vực Thanh Cao, Lập Đinh và Trung tâm Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ, Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên cùng với chính quyền địa phương, các chủ rừng bố trí từ 2 – 4 chốt bảo vệ canh lửa, với số lượng từ 1- 2 người/chốt để luân phiên tuần tra và trực cháy 24/24 giờ.
Hạt thông tin kịp thời dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên cho các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp và chủ rừng; chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện phòng chống cháy rừng; phân công cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tổ chức tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Xác định trong 2 nội dung “phòng”, “chống” cháy rừng thì “phòng” vẫn là phương án tối ưu, lâu dài, Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng lửa an toàn trong rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các chủ rừng; xây mới, dọn dẹp các đường băng cản lửa; yêu cầu các chủ rừng và đơn vị được khoán bảo vệ rừng chủ động các phương án phòng chống cháy rừng.
Để phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng có hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân và chủ rừng thực hiện các quy định về phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng; kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, chủ rừng có hành vi vi phạm các quy định về phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng; phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn nhân dân, chủ rừng thực hiện nghiêm các quy trình xử lý thực bì trồng rừng, chăm sóc rừng, vệ sinh rừng sau khai thác đảm bảo đúng quy trình về phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng.
Hoàng Tôn