BVR&MT – Hôm nay, 24/07, Chương trình tọa đàm “Phục hồi rừng tự nhiên: Điều kiện và yêu cầu cải thiện chính sách lâm nghiệp” được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức tại Hà Nội.
Tham gia chương trình tọa đàm là các chuyên gia khoa học đầu ngành Lâm nghiệp như: PGS.TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Trung ương Hội KHKTLN Việt Nam, GS. Nguyễn Ngọc Lung – Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, Chuyên gia Lâm nghiệp Đoàn Diễm, TS. Trần Lâm Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Tiến Hải – CGIAR TS Nguyễn Lan Châu – Viện Khoa học Khí tượng Thủy Văn và Biến đổi khí hậu.
Nội dung chính của buổi tọa đàm là thảo luận dưới các nghiên cứu thực tế của những nhà khoa học và số liệu thực tế từ các cơ quan Bộ ngành trung ương về thực trạng rừng hiện nay. Những cuộc thảo luận xoay quanh việc làm thế nào để sớm phục hồi rừng: Những yếu tố quyết định giúp phục hồi rừng thành công. Trong đó xác định mục tiêu, cách tiếp cận phục hồi rừng phòng hộ được xác định để phục hồi rừng tự nhiên cần có những cố gắng và phòng bị sâu trước sự biến đổi khí hậu nhằm tạo ra môi trường phát triển bền vững cho đất nước.
Trong thời gian chương trình tọa đàm đã nêu ra những thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến 13h ngày 22/7, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 đã khiến 41 người chết, mất tích và bị thương, khoảng 15.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, trong đó trên 5.500 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Trước đó, đợt mưa lũ hồi cuối tháng 6 cũng khiến 33 người chết và mất tích. Bên cạnh yếu tố khách quan của hiện tượng tự nhiên, mất rừng thường được cho là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra những thiệt hại này.
Phát biểu tại tọa đàm, GS Nguyễn Ngọc Lung – Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết, Khi có diện tích Rừng nguyên sinh lớn sẽ có khả năng chuyển một lượng nước mưa lớn thành lượng nước ngầm. Ngoài ra, rừng có chức năng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo GS Lung, giải thích về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong đó có bảo vệ rừng nguyên sinh. Rừng có nhiều tầng nhiều lớp cây, cây gỗ lớn và có cả cây bụi, dưới đó còn có lớp đất mùn, các hệ thống rễ cây đan xen vào nhau chằng chịt. Như vậy khi có diện tích rừng nguyên sinh lớn thì dưới lượng mưa bình thường không thể tạo ra xói mòn được mà toàn bộ lượng nước sẽ tạo ngấm xuống tạo thành nước ngầm.
Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017, tổng diện tích rừng hiện có của Việt Nam là 14.415.381 ha, trong đó có 10.236.415 ha rừng tự nhiên và 4.178.966 ha rừng trồng với độ che phủ toàn quốc 41,45%.
Với con số này, tổng diện tích rừng tăng nhẹ so với con số 14.377.682 ha và độ che phủ 41,19% năm 2016. Tuy nhiên, xét riêng từng loại rừng, rừng tự nhiên đã giảm 5.726 ha so với diện tích 10.242.141 ha năm 2016.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong số 10.242.141 ha rừng tự nhiên năm 2016 thì chỉ có 8.839.154 ha rừng gỗ, còn lại là rừng tre nứa thuần, rừng hỗn hợp và rừng cau dừa. Trong số 8.839.154 ha rừng gỗ tự nhiên thì chỉ có 8,7% là rừng giàu.
Ngoài ra, kết quả đánh giá nhiều năm cho thấy, dù tổng diện tích rừng của Việt Nam tăng thuần từ 2004 đến 2016, rừng phòng hộ lại là đối tượng có những biến động âm lớn nhất về diện tích trong ba loại rừng, với tốc độ giảm diện tích trung bình khoảng 2%/năm.
Trong chương trình tọa đàm đã bàn đến sinh kế của đồng bào trong thực trạng sử dụng đất rừng hiện nay. Trên thực tế liệu việc phục hồi diện tích đất rừng ở quy mô cảnh quan, hệ sinh thái cần tìm ra những cách hợp lý để phục hồi rừng thành công. Với mục tiêu đó, cần có những chính sách hợp lý để những đối tượng tham gia vào chương trình phục hồi rừng và bà con đồng bào phát triển kinh tế làm giàu mang tính bền vững.
Văn Trì