BVR&MT – Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, huyện Yên Lập có 634 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, 272 thương, bệnh binh, 15 cán bộ tiền khởi nghĩa, nhiều gia đình có công với cách mạng…
Huyện đang có 895 đối tượng người có công được chi trả trợ cấp hàng tháng, trong số này có một Mẹ Việt Nam Anh hùng đang sống ở xã Đồng Thịnh. Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, công tác chăm sóc người có công (NCC) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong huyện đặc biệt quan tâm.
Nghe tin thương binh 4/4 Hà Văn Quốc ở khu 6, xã Nga Hoàng ốm, phải đi bệnh viện phẫu thuật cột sống, huyện Yên Lập đã cử cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đến tận nhà động viên, thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống và hỗ trợ 3 triệu đồng để ông chữa bệnh. Món quà nhỏ, ý nghĩa lớn đã làm ấm lòng gia đình người thương binh bị bệnh bởi tuổi cao sức yếu. Rưng rưng xúc động, thương binh Hà Văn Quốc nói: Nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương về cả vật chất lẫn tinh thần tôi rất xúc động, bản thân tôi sẽ cùng gia đình cố gắng vượt mọi khó khăn, ổn định phát triển kinh tế, gương mẫu trong thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây là một trong rất nhiều việc làm thể hiện sự quan tâm của huyện Yên Lập trong thực hiện chế độ, chính sách với người có công.
Hàng năm, thực hiện tốt chính sách với NCC, huyện Yên Lập đã bám sát các quy định của pháp luật, chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hướng dẫn NCC và thân nhân NCC trong việc lập hồ sơ, giải quyết chế độ theo quy định, đảm bảo việc chi trả các chế độ đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách ưu đãi NCC được đẩy mạnh. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân và các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện đã tích cực giúp đỡ các gia đình NCC; ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH. Hầu hết các xã, thị trấn đều quan tâm chăm sóc các hộ gia đình NCC bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như tạo điều kiện về công cụ, phương tiện phát triển sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, giúp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp…
Ngoài ra, các xã còn phát động và xây dựng được quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với kinh phí từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm để tạo nguồn hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà ở cho các gia đình chính sách; tu sửa nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách khi ốm đau, hoạn nạn; tặng quà nhân Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 và các dịp lễ tết; tặng sổ tiết kiệm, trao học bổng cho con thương, bệnh binh học giỏi. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể ở địa phương còn phân công hội viên, đoàn viên giúp đỡ các gia đình chính sách, thường xuyên thăm hỏi động viên các đối tượng NCC tham gia các phong trào hoạt động xã hội, nhất là phong trào thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Đặc biệt, những năm gần đây, tranh thủ các chính sách hỗ trợ NCC, nhất là chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, Yên Lập đã huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.197 căn nhà cho NCC và thân nhân người có công với tổng kinh phí 37,52 tỉ đồng. Cùng với đó, các chế độ chính sách đối với người có công như cấp thẻ bảo hiểm y tế; chi trả chế độ ưu đãi cho học sinh, sinh viên; cấp giấy chứng nhận cho con thương binh, bệnh binh, chất độc da cam đều được thực hiện tốt. Đến nay, gần 96% người có công trên địa bàn huyện có mức sống đạt trung bình trở lên, hầu hết các gia đình chính sách, gia đình cách mạng đều tích cực tham gia các phong trào của địa phương, đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hoá. Nhiều thương binh, bệnh binh thể hiện rõ quyết tâm và nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”.