Phụ nữ bản địa đi đầu trong công cuộc bảo tồn động vật hoang dã

BVR&MT – Là phụ nữ, chúng ta kết nối với câu chuyện bảo tồn khi chúng ta có thể thấy cách bảo tồn kết nối với chúng ta. Và điều quan trọng là không nên quên vai trò của cộng đồng, nhất là phụ nữ trong bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên.

Trong tuần qua, khi các nhà lãnh đạo tập trung tại Davos – nơi diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019, một trong những thách thức hàng đầu được nêu ra chính là các thách thức sinh thái.

Báo cáo “Rủi ro toàn cầu 2018” được công bố tại Davos đã phủ bóng lên tương lai chung của thế giới, trong đó ba rủi ro hàng đầu của năm 2019 đều liên quan đến khí hậu gồm: thời tiết khắc nghiệt, thất bại trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng và thiên tai. Rất nhiều giải pháp khí hậu đã tồn tại cần được nhân rộng, chẳng hạn như giải pháp bảo vệ động vật hoang dã do Quỹ Phúc lợi động vật quốc tế (IFAW) phối hợp với nhóm phụ nữ ở các cộng đồng bản địa Kenya thực hiện.

Bảo tồn động vật hoang dã là một phần không thể thiếu trong công cuộc bảo vệ môi trường. Hiện có khoảng 415.000 con voi sinh sống trên khắp châu Phi nhưng cuộc sống của chúng vẫn đang bị đe dọa từng ngày do mất môi trường sống và nạn săn trộm. Có lẽ ít người biết rằng hầu hết các loài động vật hoang dã như voi phần lớn sống bên ngoài các công viên quốc gia hoặc khu bảo tồn. Ở Kenya, 65-70% động vật hoang dã sống ở các khu vực đất của cộng đồng, đặc biệt là các khu bảo tồn truyền thống.

Nhận thấy cần phải có sự tham gia của các cộng đồng bản địa trong hoạt động bảo tồn động vật hoang dã, bà Faye Cuevas – Lãnh đạo Tổ chức IFAW đã đề xuất ý tưởng thành lập đội nữ giới bảo tồn động vật hoang dã ở Maasai – đây là một phần của Chương trình tenBona do IFAW thực hiện để bảo tồn động vật hoang dã tại Keneya.

Chân dung phụ nữ thuộc bộ lạc Maasai ở miền trung Kenya, châu Phi. Hiện có gần một triệu người Maasai sống ở Kenya.

Thành viên của nhóm tất cả đều là nữ giới và mục tiêu chính là đảm bảo an toàn cho các loài động vật hoang dã.

Ý tưởng của bà Faye Cuevas xuất phát từ nền tảng quân sự của bà – người từng phục vụ gần hai thập kỷ trong quân đội Hoa Kỳ, đặc biệt là trong các hoạt động chống khủng bố. Bà chia sẻ: “Nữ giới có thể tham gia cả thủy chiến và lục chiến. Chúng tôi nhận ra rằng phụ nữ là nguồn thông tin quan trọng nhưng sự nhạy cảm về văn hóa ở các quốc gia hồi giáo khiến phụ nữ địa phương không thể chia sẻ thông tin với các binh sĩ nam”.

Giống như phụ nữ Iraq và Afghanistan, phụ nữ Maasai là nguồn thông tin quan trọng về tội phạm động vật hoang dã. Tuy nhiên, họ hiếm khi được lên tiếng trong các hoạt động bảo tồn động vật. Cuộc sống hàng ngày của phụ nữ Maasai cũng ảnh hưởng đến động vật hoang dã và môi trường, chẳng hạn như xung đột giữa người và voi, tuy nhiên, họ lại không được trang bị kiến ​​thức để giải quyết những vấn đề hàng ngày này.

Bà Faye và nhóm cộng sự đã thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ Maasai thông qua giáo dục về hành vi và sức khỏe của các loài động vật hoang dã cũng như thành lập các nhóm phụ nữ để hỗ trợ các hoạt động thu nhập thông tin cần thiết.

Sau một năm thử nghiệm, hoạt động này đã đem lại những kết quả hấp dẫn. Bà Faye cho hay “chúng tôi thấy rằng phụ nữ có các kênh đáng tin cậy từ những người phụ nữ khác. Kết quả là đã giúp chúng tôi cứu mạng một đàn sư tử và hai con voi. Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là một trong những tội ác quốc tế đem lại lợi nhuận béo bở nhất, thật thú vị khi chúng tôi phát hiện ra phương thức phụ nữ bị thao túng trong hoạt động này. Chúng tôi đã có được những thông tin quan trọng về các thủ đoạn của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã, chẳng hạn như phụ nữ thường bị những đối tượng này lợi dụng để vận chuyển và buôn lậu ngà voi qua biên giới vì những kẻ tội phạm biết rằng phụ nữ địa phương sẽ ít  bị lực lượng biên phòng nghi ngờ hơn”.

Với tình hình thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt, biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái, việc tồn tại đồng thời giữa con người và động vật hoang dã ngày càng trở nên khó khăn. Câu chuyện về hoạt động bảo tồn của IFAW cho thấy tầm quan trọng của các cộng đồng bản địa, đặc biệt là nữ giới trong việc giải quyết những thách thức này.

Faye dẫn lời một phụ nữ Maasai lớn tuổi về vai trò đi đầu của phụ nữ trong các thay đổi rằng “Là phụ nữ, chúng tôi kết nối với câu chuyện bảo tồn khi chúng tôi thấy bảo tồn kết nối với chúng tôi như thế nào”.

Bích Ngọc (Theo forbes.com)