BVR&MT – Bảo vệ môi trường thiên nhiên không chỉ là vấn đề cấp bách quan trọng tại Việt Nam mà nó luôn là vấn đề nóng đối với toàn cầu. Để con người có những hành vi đối xử “thân thiện” hơn đối với môi trường, giáo dục về môi trường cần có cách tiếp cận bài bản hơn, khoa học hơn, từng bước đưa các môn học về môi trường biển, đảo và đại dương vào các trường học ở mọi cấp cũng như cung cấp cho người dân các kỹ năng để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sáng 21/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức (Liên hiệp Hội Việt Nam), vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự, chiến lược, kế hoạch phát triển của các quốc gia. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay và có những chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chia sẻ với Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn về công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường, GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh Lao động Việt Nam cho biết: “Qua kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, giáo dục môi trường thường được thực hiện theo 3 cách tiếp cận. Đầu tiên, đó là xem môi trường là một đối tượng khoa học, người dạy truyền đạt cho người học các kiến thức của bộ môn khoa học về môi trường, cũng như phương pháp nghiên cứu về đối tượng đó. Thứ hai, xem môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo như một địa bàn, một phương tiện để giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Thứ ba là truyền đạt kiến thức về bản chất, đặc trưng của môi trường nhằm hình thành thái độ, ý thức trách nhiệm, quan niệm giá trị nhân cách, đạo đức đúng đắn về môi trường”.
TS. Lê Vân Trình cho rằng, giáo dục môi trường có hiệu quả nhất khi kết hợp cả 3 cách tiếp cận trên. Đây là một quá trình đòi hỏi sự bền bỉ, thời gian dài và đặc biệt là sự kết hợp hài hòa và tổng hợp các giải pháp.
Để nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất xây dựng khóa tập huấn gồm 6 nội dung trong đó nhấn mạnh đến những vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và xây dựng lối sống xanh.
Nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường ven biển và đại dương, TS. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, công tác truyên truyền, thông tin và giáo dục cho người dân, cho cộng đồng dân cư, cho các tổ chức, nhất là nhân dân ở vùng ven biển (28 tỉnh, thành phố có biển) còn chung chung, thiếu đồng bộ, thiếu bền vững.
TS. Nguyễn Hữu Giới đề xuất cần tiến hành các chương trình giáo dục cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và từng bước đưa các môn học về môi trường biển, đảo và đại dương vào các trường học ở mọi cấp. Bên cạnh đó, để hoạt động thông tin-tuyên truyền về bảo vệ môi trường ven biển và đại dương có hiệu quả, Nhà nước cần ban hành các chế tài xử phạt thật nghiêm khắc các hành vi gây ô nhiễm môi trường ven biển và đại dương; quan tâm và đầu tư hơn nữa cho các nghiên cứu khoa học công nghệ về biển.
Thực hiện: Đình Trà – Tuyết Lan