BVR&MT – Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò, quan hệ của phát triển hệ thống giao thông thông minh, phát thải cacbon thấp đối với hiện thực hóa thành phố thông minh, có khả năng thích ứng và bền vững.
Ngày 29/10, trong khuôn khổ Diễn đàn Liên Chính phủ giao thông bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (EST12) diễn ra tại Hà Nội từ 28-30/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn chủ trì phiên toàn thể với chủ đề “Vai trò tương lai của EST với phát triển thành phố thông minh, bền vững, có khả năng thích ứng.”
Tại diễn đàn này, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh đến vai trò, mối quan hệ của phát triển hệ thống giao thông thông minh, phát thải cácbon thấp đối với hiện thực hóa thành phố thông minh, có khả năng thích ứng và bền vững, cũng như vai trò của giao thông vận tải bền vững trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
“Kinh nghiệm tốt từ các nước, những ý tưởng mới về giao thông thông minh, về công nghệ các-bon thấp trong giao thông vận tải được chia sẻ tại Diễn đàn nhằm tạo điều kiện cho các nước tham gia, nghiên cứu, vận dụng; góp phần quan trọng để đạt được sự phát triển đô thị toàn diện và bền vững, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người; thực hiện thành công mục tiêu số 11 Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc,” Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá.
Tại Hội nghị, các diễn giả, chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu, quan điểm về các nội dung: Vai trò tương lai của EST và thành phố thông minh, có khả năng thích ứng và bền vững, hướng tới năm 2030; Đạt được thành phố thông minh có khả năng thích ứng – Thực tiễn tốt nhất toàn cầu; vai trò của hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong việc hiện thực hóa các thành phố thông minh có khả năng thích ứng – Kinh nghiệm từ châu Á – Thái Bình Dương; gia tăng tham vọng khí hậu: cơ hội và sáng kiến giao thông vận tải trong NDCs (đóng góp quốc gia tự quyết định) sắp tới cho các nước châu Á.
Các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề đặt ra liên quan đến giao thông vận tải bền vững với môi trường, hiện thực hóa thành phố thông minh trong tiến trình thực hiện mục tiêu số 11 của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDG-2030) như Vai trò tương lai của EST ở châu Á; động lực thay đổi và xu hướng mới nổi trong lĩnh vực giao thông đô thị của châu Á là gì? Làm thế nào các giải pháp giao thông thông minh có thể được nhân rộng, nhưng có tính đến những xu hướng mới nổi? Đóng góp của ngành giao thông trong quá trình phát triển bền vững và thực hiện NDCs của mỗi quốc gia…
Đại diện Nhật Bản tham dự diễn đàn cho rằng, thành phố thông minh không chỉ là áp dụng công nghệ vào mà còn cần được quy hoạch tốt, dùng năng lượng tái tạo, chuyển đổi giao thông xanh, sạch, giảm phát thải ô nhiễm. Ở mỗi nước, trình độ, khả năng áp dụng giao thông thông minh khác nhau, vấn đề là lựa chọn được hướng đi phù hợp, có khả năng biến các mục tiêu thành hiện thực.
Cũng trong ngày 29/10 còn có các phiên họp toàn thể với các chủ đề: Các đồng lợi ích về chất lượng không khí của vận tải khối lượng lớn, phát thải các-bon thấp – tương lai của châu Á; thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng giao thông đô thị trong bối cảnh thành phố thông minh và có khả năng thích ứng – Vai trò của khối tư nhân, các ngân hàng phát triển và các nhà tài trợ.
Cùng đó là các phiên đối thoại chính sách: Nâng cao tiêu chuẩn khí thải phương tiện, bao gồm xe ôtô và xe gắn máy, chất lượng nhiên liệu tương ứng; kiểm tra/bảo dưỡng (I/M) phương tiện và an toàn đường bộ – Lợi ích và cơ hội cho các quốc gia châu Á hướng tới SDGs (các mục tiêu phát triển bền vững); hiện thực hóa thành phố thông minh ở châu Á.