Phát triển kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ

BVR&MT – Ðược quan tâm đầu tư nhiều mặt, kinh tế biển các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từng bước thể hiện được vị trí, vai trò là động lực phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, các địa phương tăng cường liên kết, cộng đồng trách nhiệm trong kết nối khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển.

Một góc Khu kinh tế Vân Phong, nơi có điều kiện thuận lợi trong xây dựng cảng trung chuyển quốc tế.

Nhận thức được vị trí, vai trò, tiềm năng đặc biệt quan trọng của biển đối với sự phát triển của địa phương, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ, chính quyền và các thế hệ lãnh đạo các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm khai thác hiệu quả kinh tế biển, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo đó, định hướng các mục tiêu cụ thể; xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên; đồng thời, xây dựng danh mục nhiệm vụ, dự án cụ thể để triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.

TỪNG BƯỚC PHÁT HUY TIỀM NĂNG, LỢI THẾ

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Phan Tấn Cảnh cho biết, Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo khu vực; trong đó, phát triển vùng phía bắc gắn với khai thác hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, huyện Thuận Bắc và Ninh Hải, vùng phía nam, huyện Ninh Phước và Thuận Nam với động lực phát triển cảng biển tổng hợp Cà Ná và trung tâm phát triển kinh tế-xã hội thành phố Phan Rang-Tháp Chàm với định hướng phát triển đa dạng ngành nghề liên quan biển như phát triển năng lượng và các ngành kinh tế biển mới, tập trung thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến.

Ðến nay, Ninh Thuận có 431 dự án đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, du lịch, nuôi trồng thủy hải sản đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 191.995 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp biển và ven biển tăng nhanh, tỷ trọng công nghiệp biển và ven biển trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chiếm 73,1%. Năng lượng tái tạo trở thành yếu tố đột phá trong phát triển công nghiệp biển và ven biển, góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Giai đoạn 2007-2020, kinh tế biển của Bình Ðịnh được đầu tư và phát triển theo định hướng hai vùng cụ thể: phía bắc lấy Phù Mỹ-Hoài Nhơn làm trung tâm; phía nam lấy Khu kinh tế Nhơn Hội-thành phố Quy Nhơn làm trung tâm; trong đó, tập trung phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội trở thành một trong những khu kinh tế trọng điểm vùng ven biển của cả nước.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh, Hồ Quốc Dũng, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với quy hoạch và phát triển đô thị, tỉnh Bình Ðịnh tập trung lập quy hoạch xây dựng lồng ghép nội dung quy hoạch các khu chức năng dịch vụ, khu hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền tại Tam Quan; quy hoạch xây dựng khu vực Mỹ Thành gắn với phát triển đô thị, du lịch; trong đó, đã lồng ghép quy hoạch bố trí các khu chức năng để phục vụ phát triển kinh tế biển gắn với quá trình đô thị hóa xã Mỹ Thành; bố trí các khu dịch vụ hậu cần nghề cá; khu chế biến thủy sản tập trung.

Tính đến nay, Khánh Hòa là một trong những địa phương có số thu ngân sách lớn của cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Lê Hữu Hoàng cho biết, các ngành kinh tế biển hiện đóng góp hơn 80% GRDP của tỉnh và nguồn thu từ dịch vụ-du lịch chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế. Trên địa bàn đã có nhiều dự án khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động như Khu du lịch sinh thái Hòn Tằm, Vinpearl Land, Khu bảo tồn biển Hòn Mun, Khu du lịch sinh thái đầm Nha Phu… thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Hiện nay, phát triển ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa gắn liền với ba vịnh biển nổi tiếng là Vân Phong, Cam Ranh và Nha Trang. Vịnh Nha Trang đã được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới và thành phố Nha Trang đang trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Riêng huyện đảo Trường Sa, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị, Khánh Hòa cùng cả nước tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Trần Hữu Thế cho biết, đến nay, Khu kinh tế Nam Phú Yên, một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, đã được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ. Ngoài cảng biển Vũng Rô được đầu tư, nâng cấp, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay đạt hơn 700.000 tấn/năm, Phú Yên còn quy hoạch cảng biển nước sâu Bãi Gốc có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 tấn.

Ngành du lịch được chú trọng đầu tư hạ tầng, toàn tỉnh hiện có hơn 370 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với hơn 6.000 buồng đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao; tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 1,83 triệu lượt/năm; tạo việc làm cho một lượng lớn người lao động… Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh nói chung và vùng biển, ven biển nói riêng được nâng cao.

Tập đoàn BIM đầu tư sản xuất muối công nghiệp kết hợp năng lượng tái tạo tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 892/QÐ-TTg phê duyệt “Ðề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030”. Theo đề án, cả nước có 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển. Cụm các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận; xác định khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa-Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Ðông Nam Á, theo hướng phát triển với những ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Cùng với các nghị quyết khác, như Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, đề án này tạo cơ hội kép cho phát triển kinh tế biển các tỉnh Nam Trung Bộ.

Theo Ðề án, cụm liên kết này được định hướng phát triển cảng biển tổng hợp trung chuyển hàng hóa trong nước, quốc tế và cảng chuyên dụng phục vụ du lịch, quốc phòng với trung tâm là khu cảng biển Vân Phong-Cam Ranh, kết hợp với cảng Quy Nhơn; dịch vụ hậu cần cảng biển, hàng hải và dịch vụ logistics quốc tế, hình thành đô thị dịch vụ cảng biển quốc tế gắn với cảng Vân Phong và Cam Ranh.

Tại khu vực này sẽ phát triển các dịch vụ khoa học-công nghệ có tầm quốc tế về nghiên cứu biển, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, dịch vụ đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật về lĩnh vực biển, hàng hải, hình thành khu khoa học công nghệ biển, trung tâm nghiên cứu biển quốc gia tại Khánh Hòa.

Về du lịch biển, đảo, khu vực này sẽ phát triển theo hướng hình thành các khu du lịch, đô thị du lịch biển có mức độ quốc tế hóa cao, liên kết các cơ sở du lịch biển với các cơ sở du lịch di sản, di tích văn hóa ven biển với trung tâm dịch vụ du lịch ở thành phố Nha Trang, thành phố Quy Nhơn; hình thành các khu trung tâm thương mại miễn thuế cho khách du lịch, khu đô thị du lịch biển quốc tế ở Khánh Hòa-Nam Phú Yên, phát triển là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thám hiểm biển có tầm quốc tế ở châu Á-Thái Bình Dương. Ðặc biệt, đề án định hướng phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch huyện đảo Trường Sa là trung tâm du lịch đảo xa bờ.

Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi địa phương đều có những thế mạnh riêng, việc phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển sẽ phát huy được lợi thế của từng khu vực vùng biển và ven biển. Tuy nhiên, mới đây, tại tọa đàm Liên kết phát triển Tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới được tổ chức tại Nha Trang, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, việc liên kết vùng còn lỏng lẻo, mới dừng lại ở mức độ cam kết và mang tính tự nguyện, thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng, tiểu vùng chưa thật sự hiệu quả là thiếu những hành lang pháp lý và công tác tổ chức, cơ chế liên kết chưa đủ mạnh. Ðồng chí đề nghị các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học tập trung làm rõ những thuận lợi, khó khăn, các vấn đề đặt ra trong liên kết khai thác hải sản xa bờ, phát triển nuôi trồng thủy sản công nghiệp; đầu tư xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu; phát triển dịch vụ hỗ trợ nghề cá kết hợp với bảo vệ an ninh trên biển; phát triển các khu kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp biển và du lịch.

Hiện nay, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa cùng đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách phát triển khu vực Nam Phú Yên-Bắc Khánh Hòa; kiến nghị Thủ tướng có chủ trương cho lập quy hoạch nuôi trồng thủy sản vùng biển hở của vùng nhằm bảo vệ môi trường; phát triển du lịch bền vững góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời, sớm ban hành văn bản quy định về liên kết phát triển vùng để các tỉnh, thành phố trong khu vực cùng cộng đồng trách nhiệm; kết nối khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển của cả vùng.