BVR&MT – Giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được xác định là nội dung trọng tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp. Về cơ bản, xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số người dân, và đã đạt nhiều thành tựu tích cực, từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn nông thôn.
Để tiếp tục góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tháng 11/2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên cơ sở kế thừa kết quả sau 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề ra các nội dung vận động nhân dân thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới; đề ra tiêu chí về xây dựng khu dân cư nông thôn mới. Ngày 15/12/2016, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT-CP-ĐCTUBTWMTTQVN về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ngày 20/4/2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức thành viên của Mặt trận thống nhất ban hành Hướng dẫn số 77/HD-BTT-MTTW về hiệp thương, phối hợp, thống nhất thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 78/HD-MTTW-BTT ngày 24/4/2017 về nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, cấp xã; tổ chức và hướng dẫn lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân (nay được bổ sung, sửa đổi là Hướng dẫn số 122/HD- MTTW-BTT ngày 16/01/2019 về việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới).
Có thể thấy, việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới là một trong những kênh thông tin quan trọng để giúp cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, cơ sở. Việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cơ bản bước đầu đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia, giám sát của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ sở quan trọng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp và đoàn kết các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Một trong những tiêu chí để công nhận nông thôn mới kiểu mẫu được quy định trong phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân về nông thôn mới kiểu mẫu đó là các tiêu chí đánh giá sẽ được nâng cao hơn so với tiêu chí công nhận nông thôn mới.
Thực hiện định hướng của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, từng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đã được chuyển hóa thành nội dung trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua để triển khai thực hiện ở địa bàn dân cư. Qua đó, nhân dân ở các địa phương đã khẳng định được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, trực tiếp tham gia vào quá trình xác định nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông mới ở địa phương, thông qua các hoạt động như: Xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa – xã hội, mở đường giao thông, tích cực tham gia phát triển kinh tế, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, củng cố và phát huy giá trị của các ngành nghề truyền thống, thực hiện các giải pháp gắn kết chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đó là mỗi cộng đồng dân cư, nhân dân đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tương thân tương ái trợ giúp gia đình khó khăn, chăm sóc gia đình chính sách, phụng dưỡng người có công với cách mạng, người già cô đơn; giữ gìn truyền thống cách mạng; bảo vệ và phục dựng các giá trị văn hóa, di tích lịch sử; tích cực giữ gìn nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu; chú trọng các hoạt động tôn tạo, xây dựng cảnh quan môi trường; chăm lo sức khỏe, tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội toàn dân; phòng ngừa dịch bệnh, khuyến học khuyến tài; phát huy dân chủ trong xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện vai trò giám sát của nhân dân; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; chủ động phòng ngừa với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện công tác tự quan trong giữ gìn an ninh trật tự; đảm bảo các quy định về an toàn trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm…
Kết quả của xây dựng nông thôn mới đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng cuộc sống giữa nhân dân vùng nông thôn với thành thị, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,72%; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 – 4%. Kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, một số địa phương sau khi đã về đích nông thôn mới xuất hiện tình trạng lúng túng trong việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng thực hiện trong giai đoạn tiếp theo; mặt khác, một số nơi có dấu hiệu tự thỏa mãn, chững lại, cầm chừng sau khi đã được công nhận đạt chuẩn về nông thôn mới. Bên cạnh đó việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và công nhận lại đối với các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới trong từng giai đoạn chưa có những quy định cụ thể; thiếu những giải pháp tích cực trong việc thúc đẩy hướng tới những giá trị xây dựng nông thôn tiên tiến, hiện đại và bền vững.
Có thể nói, điểm chung nhất trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho thấy, các địa phương đã lựa chọn được các vấn đề có tính chất điểm nhấn để định hướng thực hiện. Từng bước đã xây dựng được hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh về tự nhiên, kinh tế, văn hóa – xã hội; mở rộng các ngành nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn truyền thống; đề cao vai trò tự quản của nhân dân; tập trung cho các giải pháp trong bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa, tiến bộ; thực hiện tốt công tác quản lý và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội… đang tạo ra những hình mẫu mới trong xây dựng nông thôn kiểu mẫu với những hiệu ứng tích cực, khơi dậy và phát huy tiềm năng và sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Quan điểm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được dựa trên cơ sở kết quả nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân trong cộng đồng từ khu dân cư. Khu dân cư nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải có thu nhập bình quân đầu người, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, văn hóa – xã hội… cao hơn so với khu dân cư đạt chuẩn về nông thôn mới đã được công nhận. Lộ trình xây dựng phải có các bước chuẩn bị kỹ từ việc định hướng, xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp về cơ chế; tổ chức làm điểm, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng, tránh chạy theo thành tích.
Từ thực tiễn triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã hình thành nhiều mô hình, sáng kiến của Mặt trận góp phần hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương đã triển khai việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển các mô hình tự quản trong cộng đồng; nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu. Những kết quả đạt được thông qua Cuộc vận động đã góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ cần có sự phối hợp và thống nhất của các Bộ, ban, ngành liên quan, đặc biệt là sự sáng tạo của địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy để từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng nông thôn mới trong thời gian tới cần phải từng bước đổi mới từ mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới (2021 – 2025).