Nông sản xuất khẩu cạnh tranh kém

BVR&MT – Tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn đã làm hạn chế khả năng xuất khẩu của rau quả Việt.

Chiều 24/7, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản và thực phẩm Việt Nam (Vietnam PFA 2019) do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Công ty Quảng cáo và Hội chợ triển lãm CIS tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (SECC; quận 7, TP HCM) đã diễn ra hội thảo “Phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản trong thời kỳ hội nhập”.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Quang Tú – Trưởng Phòng Chế biến, bảo quản nông sản Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – cho biết 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản duy trì mức tăng trưởng 5%-7%/năm. Nhờ vậy, đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Hơn 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; ngoài ra còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa. Mặc dù vậy, ngành này vẫn phát triển dưới tiềm năng và dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Các loại trái cây đạt chuẩn xuất khẩu được giới thiệu tại Triển lãm Quốc tế về công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản và thực phẩm Việt Nam.

Theo TS Lê Mạnh Hùng, đại diện Phân viện Cơ – Điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả từ 151,5 triệu USD năm 2003, tăng lên đạt 1,07 tỉ USD năm 2013, đạt 3,8 tỉ USD năm 2018, tăng hơn 47,3% so với năm 2017 và dự báo giá trị xuất khẩu sẽ ngày càng tăng do rau quả Việt Nam đang hướng tới các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… Tuy nhiên, so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô theo đường tiểu ngạch với giá trị thấp, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là các khâu xử lý sau thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn do công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch vẫn còn thấp. Tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn – hơn 25% đối với các loại quả; hơn 30% với các loại rau; 10%-20% với các loại củ – đã làm hạn chế khả năng xuất khẩu của rau quả Việt. Trong khi tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch ở các nước châu Á như Ấn Độ là 3%-3,5%, Pakistan 2%-10%, Indonesia 6%-17%, Nepal 4%- 22%.

Theo TS Hùng, Việt Nam đang từng bước tiếp cận các thị trường cao cấp, hướng tới giảm phụ thuộc vào Trung Quốc nên rất cần đầu tư khoa học – kỹ thuật, các công nghệ và thiết bị hiện đại nhằm tìm ra cách thức bảo quản rau quả có hiệu quả và phù hợp nhất. Bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch trong sơ chế và bảo quản rau quả, cần tập trung nghiên cứu về giống để tạo được sản phẩm rau quả tươi có chất lượng cao và thời gian bảo quản lâu dài, đồng thời đầu tư xây dựng nhà xưởng đóng gói tại vùng nguyên liệu.

“Để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành rau quả, bên cạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ kỹ thuật cao để bảo quản rau quả tươi, cần tập trung đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm rau quả đông lạnh, trái cây và rau chế biến tươi (fresh-cut fruit and vegetable)” – TS Hùng nói thêm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group – doanh nghiệp đã xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Mỹ, nhìn nhận sản xuất nông sản tại Việt Nam phần lớn phân tán về hộ gia đình, canh tác tự phát nên khâu kiểm soát chất lượng trước và sau khi sản xuất không chặt, khâu chế biến sau thu hoạch yếu. Các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, chưa qua chế biến. Một thực tế khác là sản phẩm nông sản thu mua từ nông dân thường không đạt chuẩn về chất lượng cũng như quy cách xuất khẩu sang Mỹ nên chỉ tiêu thụ trong nước hoặc các thị trường mà tiêu chuẩn hàng nông sản không cao, làm giảm giá trị nông sản Việt.

https://baovemoitruong.org.vn/